Mỹ sẽ có Chánh án Tòa án Tối cao trẻ nhất trong 25 năm qua?

Thứ Sáu, 03/02/2017, 08:17
49 tuổi, là Thẩm phán tòa thượng thẩm thứ 10 tại thành phố Denver, bang Colorado, ông Neil Gorsuch mới được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử làm Chánh án Tòa án Tối cao – chức vụ đã bị bỏ trống trong gần một năm qua.


Nếu đề cử trên nhận được sự ủng hộ của tối thiểu 60/100 Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Gorsuch sẽ trở thành Chánh án Tòa án Tối cao trẻ nhất trong hơn 25 năm qua của “xứ cờ hoa”, lấp vào chỗ khuyết do ông Antonin Scalia để lại sau khi ông qua đời hồi tháng 2-2016.

Theo tờ USA Today, ông Gorsuch và một số thẩm phán liên bang khác như ông William Pryor và và Diane Sykes được coi là nằm trong danh sách 21 người được ông Trump cân nhắc.

Tuy nhiên, ông Pryor được cho là bị bỏ qua vì từng có nhiều quan điểm gây tranh cãi về các vấn đề phá thai và quyền của người đồng tính, trong khi bà Sykes thì có ít năm kinh nghiệm hơn. Có truyền thống gia đình làm việc trong ngành pháp lý, cha và mẹ ông Gorsuch đều tốt nghiệp luật sư.

Tổng thống Donald Trump (trái) và thẩm phán Neil Gorsuch.

Có lẽ vậy, nên ông sở hữu bảng thành tích đáng nể về giáo dục: tốt nghiệp hạng ưu Đại học Columbia và Trường Luật Harvard, hoàn thành chương trình Tiến sĩ Triết học pháp lý tại Đại học Oxford (Anh), dành nhiều năm hành nghề tư nhân trước khi làm việc tại Tòa phúc thẩm theo đề nghị của cựu Tổng thống George W. Bush và giữ vị trí này cho tới nay. Bên cạnh đó, ông còn là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Colorado. Tuy đảm nhiệm nhiều vị trí danh giá như vậy, ông Gorsuch lại rất khiêm tốn và dễ gần.

Ông được đồng nghiệp và các học trò yêu quý, mô tả ông là người thông thái, chu đáo và quyến rũ. Là người sở hữu quan điểm bảo thủ, nhưng ông Gorsuch luôn đặt sự thật, công lý, hệ thống tư pháp lên hàng đầu và sẵn sàng tranh luận không thích việc sử dụng quyền lực tòa án để quyết định chính sách xã hội, thay vì dựa vào phiếu bầu của người dân.

Về cuộc sống riêng tư, ông sống cùng vợ, bà Louise Gorsuch, và hai con gái, Emma sinh năm 1999 và Belinda sinh năm 2001, trong một trang trại ở vùng đất nơi ông sinh ra tại bang Colorado. Vào thời gian rảnh, vị thẩm phán này thích cùng gia đình, bạn bè đi trượt tuyết, leo núi, câu cá hoặc chèo thuyền.

Thực chất, Tổng thống Mỹ đã “nhắm” ông Gorsuch vào “chiếc ghế” Thẩm phán Tòa án tối cao từ trước. Từ trước khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, trong một tuyên bố tranh cử, ông Trump đã đánh giá cao vai trò của vị thẩm phán 49 tuổi này, gọi ông là một người uyên thâm, một chuyên gia về pháp lý và là người có thể diễn giải các quy định của hiến pháp theo đúng ngôn từ được ghi trong văn bản.

Và khi đề cử, đánh giá cao năng lực và sự am hiểu pháp luật của thẩm phán Gorsuch, Tổng thống Trump bày tỏ hi vọng đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ có được tiếng nói chung với đề cử này của ông vì tương lai tốt đẹp của nước Mỹ.

Tân Tổng thống Mỹ nói: “Thẩm phán Gorsuch có những kĩ năng pháp lý nổi bật, một trí tuệ thông suốt và nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng. Phụ thuộc vào tuổi tác của họ, một thẩm phán (Tòa án Tối cao) có thể công tác trong 50 năm.

Theo đó, các quyết định của thẩm phán có thể kéo dài một thế kỷ hoặc lâu hơn nữa, thậm chí có thể là mãi mãi”. Và để bảo vệ cho đề cử của mình, ông Trump nhấn mạnh: “Hàng triệu người Mỹ nói vấn đề pháp lý là điều họ quan tâm khi bỏ phiếu cho tôi làm Tổng thống. Tôi là người giữ lời.

Hôm nay tôi thực hiện lời hứa đó bằng việc đề cử Gorsuch”. Nếu đề cử của vị tân chủ nhân Nhà Trắng được Thượng viện thông qua, ông Gorsuch có thể ảnh hưởng đến đường lối của tòa án trong nhiều thập kỷ tới vì các thành viên Tòa án Tối cao có nhiệm kỳ trọn đời.

Ngoài ra, chức vị Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ có vai trò rất quan trọng, sẽ định hình phán quyết của toàn bộ hệ thống tòa án về các vấn đề gây tranh cãi như phá thai, kiểm soát súng, án tử hình, hôn nhân đồng giới và tôn giáo.

Theo truyền thông địa phương, thẩm phán Gorsuch phản đối việc phá thai vì cho rằng “không có cơ sở Hiến định” để đặt mạng sống của bà mẹ lên trước sinh mệnh đứa trẻ, và không ngừng đấu tranh vì quyền tự do tôn giáo.

Đề cử của ông Trump cần phải được Thượng viện thông qua. Quá trình này được dự đoán sẽ khó khăn do vấp phải phản đối từ phe Dân chủ, khi trước đó Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã bỏ qua đề cử của cựu Tổng thống Obama khi chọn ông Merrick Garland vào vị trí này hồi năm ngoái.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Dân chủ cũng từng nhiều lần đe dọa sẽ phản đối bất cứ ứng cử viên thẩm phán nào mà Tổng thống đề cử có khuynh hướng bảo thủ. Tuy nhiên, các đề cử trong nội các của ông Trump cho đến nay đều suôn sẻ, đặc biệt là vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của tướng James Mattis. Ông Mattis nhậm chức đã phá vỡ truyền thống về khoảng thời gian bắt buộc đối với một tướng quân sự về hưu trước khi ông được nắm chức vụ trong chính quyền dân sự.

Tòa án Tối cao Mỹ có tổng cộng 9 thẩm phán. Đây là chức danh được bổ nhiệm trọn đời, đồng nghĩa với việc 9 thẩm phán ở tòa án này chỉ mất chức sau khi qua đời, hoặc bị buộc tội.

Trong lịch sử tư pháp Mỹ, mới chỉ có duy nhất Thẩm phán tối cao Samuel Chase bị buộc tội vào năm 1804, tuy nhiên sau đó lại được Thượng viện tuyên bố vô tội và tiếp tục giữ ghế cho đến khi mất vào năm 1811.

Minh An (tổng hợp)
.
.
.