Mỹ sắp rút khỏi thêm một hiệp ước quốc tế

Thứ Sáu, 22/05/2020, 08:46

Việc chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (Open Skies Treaty) làm suy yếu an ninh xuyên Đại Tây Dương và là một động thái được tham mưu kém, theo nghị sĩ Alcee Hastings.

Ảnh minh họa Reuters. 

“Thời điểm đưa ra quyết định thiếu sáng suốt này rất gần với cuộc bầu cử của chúng tôi và đây là điều rất khó chịu”, ông Hastings cho biết ngày 21/5. “Tôi kêu gọi chính quyền xem xét lại và thay vào đó làm việc với Quốc hội để quyết tâm hơn trong hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở châu Âu, và đặc biệt làm việc để bảo đảm việc gia hạn nhanh chóng Hiệp ước START mới”.

Ông Hastings, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, còn được gọi là Ủy ban Helsinki của Mỹ, cho biết việc chính quyền Trump phản đối các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện nay đã làm giảm tính minh bạch và dễ dự đoán ở châu Âu vào thời điểm mà sự lãnh đạo của Mỹ là yếu tố cần thiết.

“Hiệp ước Bầu trời mở đã củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ và luôn được hưởng sự hỗ trợ của lưỡng đảng vì những đóng góp cho an ninh của Mỹ và của các đồng minh “, ông Hastings nói.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận các báo cáo rằng chính quyền của ông sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, nhưng nói thêm rằng thỏa thuận này sau đó có thể được hồi sinh hoặc thay thế bằng một “phiên bản mới”.

Vào cuối ngày, hai nhà lập pháp Mỹ, Thượng nghị sĩ Edward J. Markey và Hạ nghị sĩ Jimmy Panetta, đã đề xuất một dự luật để ngăn ông Trump hay các Tổng thống Mỹ nào trong tương lai rút Mỹ khỏi các điều ước quốc tế mà không được Quốc hội phê chuẩn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cũng đã xác nhận rằng Mỹ sẽ rời khỏi Hiệp ước Bầu trời mở trong vòng 6 tháng kể từ ngày 22/5, nhưng có thể xem xét lại nếu “Nga tuân thủ hoàn toàn” với hiệp định, đồng thời tuyên bố rằng Nga đã “vũ khí hóa hiệp ước bằng cách biến nó thành một công cụ đe dọa”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng Moscow chưa nhận được thông báo hay xác nhận chính thức từ Mỹ, lưu ý rằng “các tuyên bố công khai là chưa đủ để đưa ra kết luận về ý định của phía Mỹ”.

Hiệp ước Bầu trời mở, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002, thiết lập một chương trình bay giám sát trên không không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ của các quốc gia là thành viên.

Duy Tiến
.
.
.