Mỹ gia tăng sức ép với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản?

Thứ Ba, 19/11/2019, 08:08
Hàn Quốc và Mỹ ngày 18-11 đã tổ chức vòng đàm phán thứ 3 kéo dài 2 ngày về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ tại quốc gia châu Á để tiến tới ký kết Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ XI...


Hai bên sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề chính còn chưa được thống nhất như phần chi phí tổng cộng mà phía Seoul cùng chia sẻ và những nội dung cần đưa vào thỏa thuận chia sẻ chi phí.

Vòng đàm phán mới diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây Washington liên tục gia tăng áp lực để Seoul chấp nhận chia sẻ một phần chi phí lớn hơn cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) với khoảng 28.500 binh sĩ.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Washington yêu cầu Seoul góp gần 5 tỷ USD trong năm 2020 cho các khoản chi phí liên quan tới các hoạt động tập trận chung và để hỗ trợ thân nhân của các binh lính thuộc USFK. Nhiều tổ chức tại Hàn Quốc đã tuần hành kêu gọi Seoul tuyên bố đóng băng các khoản đóng góp tài chính cho USFK và chỉ trích yêu cầu của Washington về việc tăng chi phí đóng góp. 

Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo (phải) và người đồng cấp Taro Kono trong cuộc gặp tại Bangkok. Ảnh: Yonhap

Theo thỏa thuận hiện tại, dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm 2019, Seoul đồng ý đóng góp 870 triệu USD. Trả lời phỏng vấn báo giới khi vừa đặt chân tới sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, chiều 17-11, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ James DeHart nhận định, hai nước Hàn-Mỹ còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được nhất trí về mức chia sẻ công bằng.

Tuy nhiên, ông tin tưởng hai bên cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận giúp tăng cường mối quan hệ đồng minh. Trước đó, Hàn-Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Seoul từ ngày 24 đến 25-9 và vòng đàm phán thứ 2 tại Hawaii (Mỹ), từ ngày 23 đến 24-10 (giờ địa phương) nhưng chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác.

Cùng với Hàn Quốc, Mỹ cũng đã yêu cầu Nhật Bản chi trả nhiều hơn - tăng lên khoảng 5 lần mỗi năm, để hỗ trợ lực lượng Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của đồng minh lớn nhất tại châu Á này. Các nguồn tin cho biết, yêu cầu này được đưa ra bởi ông John Bolton, khi đó là Cố vấn An ninh cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông Bolton thăm Nhật Bản hồi tháng Bảy và có các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao Nhật Bản.

Ông Bolton đã thảo luận với các quan chức Nhật Bản rằng Mỹ muốn thảo luận một cách thẳng thắn với nước này về triển vọng của việc chia sẻ chi phí, đồng thời Mỹ cũng đề nghị Hàn Quốc, một đồng minh khác của Washington tại châu Á, tăng chi trả lên 5 lần. Các nguồn tin Nhật Bản cũng nhấn mạnh Tokyo đã từ chối đòi hỏi này.

Theo đó, các quan chức Nhật Bản đã phản hồi với ông Bolton rằng việc tăng chi trả gấp 5 lần là “phi thực tế”, lập luận rằng, trong số các đồng minh của Mỹ, Nhật Bản đã gánh vác mức chia sẻ cao nhất về đồn trú.

Mỹ hiện cũng đang gây sức ép buộc Hàn Quốc và Nhật Bản thu hẹp sự bất đồng giữa hai nước để nối lại một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo sắp sửa hết hiệu lực, tuy nhiên có ít tín hiệu cho thấy sự thay đổi lập trường của hai bên. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc họp báo hôm 17-11 tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, sau khi ông có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và cuộc gặp 3 bên cùng với ông Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Các cuộc đối thoại này được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tìm ra bước đột phá, khi chỉ còn vài ngày nữa là Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) hết hiệu lực. “Vẫn không có câu trả lời khả quan nào ở đây (từ phía Bộ trưởng Kono), mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng”, ông Jeong trả lời khi được hỏi liệu có bất cứ đề nghị mới từ phía Nhật Bản liên quan đến hiệp ước này.

Vào tháng 8-2019, Hàn Quốc đã công bố quyết định chấm dứt Hiệp ước GSOMIA kéo dài 3 năm sau khi Nhật Bản quyết định áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với Seoul viện dẫn những lo ngại về vấn đề an ninh.

Động thái của Nhật Bản được coi là sự trả đũa về chính trị trước việc Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến. Nhật Bản muốn duy trì hiệp ước nhưng nước này vẫn không chịu nhượng bộ. Tokyo cũng tỏ rõ quan điểm với Washington rằng họ sẽ không rút lại các hạn chế đối với Seoul vì mục đích gia hạn thỏa thuận.

“Chúng tôi vẫn ở cách xa nhau hơn bao giờ hết”, ông Jeong Kyeong-doo nói và cho biết thêm, ông không đưa ra bất cứ lựa chọn mới nào. “Tôi hy vọng một tình huống đáng tiếc như vậy sẽ không xảy ra. Nhưng tôi không thấy bất kỳ thay đổi cụ thể nào tính đến thời điểm hiện nay. Hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào thứ 7 này”.

Theo ông Jeong Kyeong-doo, Hàn Quốc luôn giữ quan điểm, chỉ chấp nhận xem xét lại quyết định chấm dứt hiệp ước nói trên nếu Nhật Bản thay đổi lập trường trước. Vì không bên nào chịu thỏa hiệp về vấn đề này nên mọi con mắt đều đổ dồn vào Mỹ vì vai trò trung gian của nước này.

“Mỹ đang thúc ép mạnh mẽ cả hai bên, không chỉ Hàn Quốc mà còn Nhật Bản, bởi việc duy trì cơ chế hợp tác an ninh đa phương rất quan trọng. Mỹ vẫn liên tục gửi thông điệp tời Nhật Bản”, ông Jeong nói.

PV (tổng hợp)
.
.
.