Mục đích chuyến công du EU và Nga của Thủ tướng Nhật Bản

Thứ Hai, 02/05/2016, 08:08
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 1-5 đã lên đường thực hiện chuyến công du dài một tuần tới các nước Italy, Pháp, Bỉ, Đức, Anh và điểm dừng chân cuối cùng là Nga. Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản sẽ trao đổi các lãnh đạo châu Âu về cách thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, cũng như giải quyết tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ dai dẳng nhiều thập kỷ qua với Nga.

Bên cạnh đó, mục đích của chuyến công du này còn nhằm thiết lập nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mà Tokyo đăng cai tổ chức, dự kiến diễn ra từ 26 – 27-5 tại tỉnh Mie (miền Trung Nhật Bản), với sự tham dự của lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và nước chủ nhà. 

Tại Bỉ, Thủ tướng Nhật Bản sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, để trao đổi quan điểm nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận đối tác kinh tế EU - Nhật Bản, cụ thể là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được bắt đầu từ 1 năm trước, với hi vọng có thể đạt được Hiệp định này trước Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt đầu chuyến công du EU và Nga.

Tính đến thời điểm này, Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa đạt được đồng thuận rộng rãi về TPP. Bên cạnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe còn muốn thông qua chuyến thăm lần này để xây dựng hình tượng thành viên quốc tế có trách nhiệm cho Nhật Bản, tìm kiếm lý do để nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.

Ngoài ra, tranh chấp đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc càng ngày càng nghiêm trọng, Tokyo hiện đang hy vọng tìm được sự ủng hộ trên phạm vi toàn cầu. Tờ Thế giới của Đức bình luận: “Trong tranh chấp đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Nhật Bản trông mong được người châu Âu ủng hộ”. Tuy Nhật Bản cần đến châu Âu, nhưng các nước như Đức lại bảo lưu ý kiến trong vấn đề ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Còn tại Nga, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin ở thành phố Sochi, bàn về các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương Nga – Nhật Bản, trong đó có tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kurils trong khi Nhật Bản cũng nhận chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc ở ngoài khơi Hokkaido.

Tranh cãi chủ quyền đã ngăn cản Tokyo và Moskva ký Hiệp ước Hòa bình sau Thế chiến II. Đại diện Chính phủ Nhật Bản Esihide Suga cho biết: “Thủ tướng Shinzo Abe muốn thảo luận các vấn đề về quan hệ song phương Nhật-Nga nói chung, bao gồm cả vấn đề Hiệp ước hòa bình, cũng như thảo luận về những thách thức mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt”. Tokyo hy vọng cuộc gặp ở Sochi sẽ mở đường để Tổng thống Nga thăm Nhật Bản, chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ năm 2014 nhưng bị hoãn lại do căng thẳng liên quan đến Ukraine.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, trước khi Thủ tướng Shinzo Abe lên đường công du châu Âu và Nga, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 29-4 đã thực hiện chuyến thăm dài 3 ngày tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida đến Trung Quốc trên cương vị Ngoại trưởng kể từ khi nhậm chức 3 năm trước, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Ngoại trưởng Nhật Bản đến Trung Quốc trong hơn 4 năm qua.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Kishida đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 30-4. Cuộc gặp giữa ông Kishida và ông Lý Khắc Cường được Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc đánh giá là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra. Theo đài này, “hiếm khi ông Lý gặp gỡ các vị khách nước ngoài trong các dịp lễ...

Sự tiếp đón cấp cao (dành cho ông Kishida) cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện sự chân thành với Nhật Bản”. Trong khi đó, Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định, thái độ đón tiếp của Trung Quốc chứng tỏ, Bắc Kinh đánh giá quan hệ song phương với Tokyo có tầm quan trọng ngang quan hệ song phương Mỹ - Trung, bất chấp bất đồng về chính trị, ngoại giao liên quan tới các vấn đề ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Về phía Nhật Bản, chính phủ nước này hy vọng chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Kishida sẽ mở đường tạo dựng một bầu không khí thuận lợi để tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.

Khổng Hà
.
.
.