"Một đề nghị lớn"

Thứ Bảy, 17/07/2021, 08:27
Lực lượng Taliban đã bất ngờ đặt điều kiện ngừng bắn 3 tháng tại Afghanistan, đổi lại việc phóng thích 7.000 tay súng Taliban đang bị giam giữ, đồng thời đưa các thủ lĩnh lực lượng này ra khỏi danh sách đen của Liên hợp quốc (LHQ).


Nhà đàm phán của chính phủ Afghanistan Nader Nadery gọi đây là "một đề nghị lớn", song chưa đề cập phản ứng của chính phủ trước những điều kiện mà Taliban vừa đưa ra.

Đề xuất của Taliban được đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng trở nên tồi tệ tại Afghanistan. Sau khi phần lớn lực lượng nước ngoài rút về nước, Taliban vùng lên mạnh mẽ và chiếm được một loạt các địa điểm quan trọng từ chính quyền Afghanistan bao gồm các cửa khẩu biên giới với Iran, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan. Nhóm này kéo cờ trắng chữ đen khắp lãnh thổ Afghanistan đi kèm tuyên bố đã kiểm soát tới hơn 85% lãnh thổ trên toàn đất nước.

Lực lượng an ninh Afghanistan gác trên đường phố tại Kandahar trong thời gian diễn ra giao tranh với các tay súng Taliban.

Bên cạnh đó, các cuộc giao tranh khốc liệt không ngừng tiếp diễn giữa chính quyền Afghanistan và lực lượng Taliban thời gian gần đây, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại quốc gia đầy bất ổn này. Lo sợ Taliban tấn công, nhiều người dân Afghanistan buộc phải rời bỏ đất nước sang các nước láng giềng lánh nạn.

Hôm 14/7, chính quyền Tajikistan thông báo, gần 350 người từ Afghanistan đã vượt biên giới vào nước này để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Taliban. Lực lượng biên phòng Tajikistan cho biết trong 2 ngày trước đó, những người tị nạn nói trên từ tỉnh Badakhshan của Afghanistan đã vượt biên sang Tajikistan. Trong số này có 177 trẻ vị thành niên, 2 trẻ em trong đó đã thiệt mạng trên hành trình vượt biên.

Theo số liệu của cơ quan tị nạn LHQ từ đầu năm nay, Pakistan hiện có 1,4 triệu người tị nạn Afghanistan trong khi Iran tiếp nhận gần một triệu người. Tuy nhiên, con số chưa được thống kê ở cả hai nước ước tính còn cao hơn, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng tị nạn mới, nhất là khi Pakistan đã từ chối tiếp nhận thêm người tị nạn.

Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 15/7 cho biết, khoảng 20.000 người Afghanistan làm phiên dịch cho Mỹ trong thời gian binh lính Mỹ tham chiến tại quốc gia này đã đệ đơn xin tị nạn tại Mỹ để tránh sự trả thù từ lực lượng Taliban. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết thêm ngoài số phiên dịch viên nói trên, Mỹ cũng sẽ xem xét các đơn xin tị nạn của gia đình họ, nhưng không tiết lộ cụ thể sẽ đồng ý tiếp nhận bao nhiêu người thuộc nhóm này. Ước tính số người Afghanistan đủ điều kiện tị nạn tại Mỹ có thể lên đến khoảng 100.000.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết tuần cuối cùng của tháng 7 này sẽ bắt đầu có các chuyến bay đưa người Afghanistan được cấp thị thực nhập cảnh đặc biệt vào Mỹ theo diện nói trên. Chính quyền Mỹ không công bố chi tiết về thời điểm khởi hành của các chuyến bay vì lý do đảm bảo an ninh. Một đơn vị của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách điều phối hoạt động di tản này. Đơn vị này sẽ có sự tham gia của các đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa. Phó Cố vấn An ninh Nội địa Mỹ Russ Travers sẽ chịu trách nhiệm điều phối quy trình chính sách liên ngành liên quan hoạt động di tản.

Người phát ngôn Cao ủy LHQ về người tị nạn Barbar Baloch ngày 15/7 lên tiếng cảnh báo Afghanistan đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu tình hình an ninh tiếp tục xấu đi. Ông Ramiz Alakbarov, Điều phối viên nhân đạo tại Afghanistan nhận định: "Thật không may, tình hình gần đây không mấy khả quan. 1/3 đất nước đang đứng trước nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính. Chúng tôi bắt đầu năm nay với lời kêu gọi viện trợ nhân đạo cho đất nước này, ý tôi là hiện có khoảng 18 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo - tức là một nửa dân số của Afghanistan. Chúng ta đang đối mặt với hai vấn đề cụ thể. Hạn hán và các cuộc tấn công mùa xuân - các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng, sự tiếp quản quân sự dần dần của Taliban với hơn 170 quận cho đến nay, chúng ta đang chứng kiến những đợt di tản lớn".

Theo Bộ Người tị nạn và Hồi hương Afghanistan, sự leo thang bạo lực từ các tay súng Taliban và làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba đã gây ra một loạt bất ổn về kinh tế và xã hội, tạo ra những quan ngại và thách thức cho người dân nước này. Ngoài nỗi lo an ninh thì tình trạng bạo lực gia tăng còn đe dọa đến nỗ lực đưa hàng viện trợ và thuốc men từ bên ngoài vào Afghanistan giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng bất ổn tại Afghanistan có thể lan sang các quốc gia khác và gây rối loạn khu vực. Do đó, gần như tất cả quốc gia sát biên giới với Afghanistan đã tăng cường an ninh để ngăn chặn bất ổn.

Hôm 14/7, tại cuộc họp ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan, ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Afghanistan, đồng thời hối thúc Chính phủ Afghanistan tăng cường vị thế vì sự ổn định của đất nước. Trong một tuyên bố, ngoại trưởng các nước SCO kêu gọi tìm ra một giải pháp hòa bình cho quốc gia Tây Nam Á này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow đã hối thúc Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban khởi động các cuộc đàm phán có ý nghĩa nhằm sớm thành lập một chính quyền liên hiệp chuyển tiếp trước khi quá muộn. Bộ này đồng thời nêu rõ bất cứ nỗ lực nào của Taliban gây tổn hại tới an ninh của các đồng minh với Nga ở khu vực Trung Á đều sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố London sẵn sàng hợp tác với Taliban, nếu lực lượng này tham gia chính phủ liên hiệp ở Afghanistan và tôn trọng các quyền của con người.

 Trong khi đó, Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng rằng Afghanistan sẽ đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực rộng khắp và toàn diện, theo đuổi chính sách ổn định và đúng đắn đối với người Hồi giáo, kiên quyết chống khủng bố dưới mọi hình thức và tư tưởng cực đoan, đồng thời cam kết thiết lập quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng.
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.