Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki (Phần Lan):

Lợi cả đôi đường

Thứ Tư, 18/07/2018, 07:55
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16-7 đã trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một chiến thắng ngoại giao trong Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki (Phần Lan) khi ông từ chối ủng hộ kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 


Đáp lại, Moscow cũng có bước đi được cho là khá nhún nhường khi tuyên bố sẵn sàng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START III) và rút hàng chục máy bay quân sự khỏi Syria.

“Một khởi đầu tốt đẹp”

Diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kéo dài trong 1 ngày tại Helsinki, Phần Lan đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế.

Người ta đã đoán già đoán non rất nhiều về kết quả cuộc gặp khi mà cả ông Donald Trump và ông Vladimir Putin đều dành 2 giờ đầu tiên để nói chuyện riêng với sự tham gia của thông dịch viên; rồi sau đó là bữa cơm thân mật, hội đàm và kết thúc bằng một cuộc họp báo thẳng thắn. Chỉ nhìn qua, cũng thấy rõ ràng hai bên đã có màn khởi đầu tốt đẹp vượt ngoài sự mong đợi.

Hãng Reuters viết: “Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ là hữu ích thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nhấn mạnh mối quan hệ thăng trầm giữa hai bên có cơ hội được cải thiện”.

Tổng thống Mỹ nói: “Mối quan hệ giữa chúng tôi chưa bao giờ tên hơn thời điểm này. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Khoảng 4 giờ trước đây, mọi thứ bắt đầu khác. Tôi thực sự tin vào điều đó. Đối thoại mang tính xây dựng giữa Mỹ và Nga đang tạo cơ hội mở ra những con đường mới hướng tới hòa bình và ổn định trong thế giới của chúng ta”.

Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định, quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết và hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng Syria, về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Tổng thống Nga Vladimr Putin tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump quả bóng tại cuộc họp báo chung hôm 16-7. Ảnh: The New York Times

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Cuộc gặp ngày hôm nay chỉ là sự bắt đầu của một tiến trình dài. Nhưng chúng tôi đã thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới một tương lai sáng hơn với cuộc thảo luận mạnh mẽ và nhiều ý nghĩa. Kỳ vọng của chúng tôi dựa trên thực tế nhưng hy vọng của chúng tôi thì dựa trên mong muốn về tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”.

Ông cho biết thêm “Chúng tôi có cơ hội lớn cùng nhau, chúng tôi đã không làm điều đó trong nhiều năm. Hòa thuận là một điều tốt. Thế giới muốn thấy chúng tôi hòa thuận. Cuộc gặp thượng đỉnh là điều cả thế giới chờ đợi. Giữa chúng tôi có rất nhiều câu hỏi và chúng tôi đều hy vọng sẽ nhận được những câu trả lời quan trọng nhất”.

Đồng quan điểm với Tổng thống Mỹ, khi trả lời phỏng vấn hãng Fox News của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, rất nhiều thứ đã thay đổi tích cực trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bước tiến lớn, theo nhìn nhận của ông Vladimir Putin là hai bên nhất trí thành lập hội đồng chuyên gia chung để tìm biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương. Tổng thống Nga nói: “Cuộc gặp này mở ra một con đường, nó là sự khởi đầu. Chúng tôi đã tạo ra một sự khởi đầu tốt”.

Và những đối thoại thẳng thắn

Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, trong cuộc hội đàm, ngoài việc thảo luận hiện trạng quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ cũng trao đổi rất nhiều về các vấn đề nóng của nền chính trị quốc tế như việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và bán đảo Triều Tiên…

Ông chủ điện Kremlin là người đã hé lộ cụ thể những thông tin này như việc hai bên ghi nhận sự cần thiết phải tuân thủ thỏa thuận Minsk trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Mỹ sẽ kiên quyết hơn trong việc buộc chính quyền Ukraine thực hiện tiến trình này.

Hay như trong vấn đề Syria, cả hai nhà lãnh đạo đã khẳng định Mỹ-Nga đóng vai trò tiên phong trong sứ mệnh và sẽ thành lập một nhóm chuyên viên chung về chống khủng bố cũng như cung cấp hậu cần cho sứ mệnh nhân đạo tại Syria. Riêng trong vấn đề kiểm soát vũ trang và vũ khí hạt nhân, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin đều nhấn mạnh, hai nước phải chịu trách nhiệm duy trì an ninh toàn cầu thúc đẩy chương trình giải trừ vũ trang, hợp tác về quân sự và công nghệ.

Giới quan sát nhận định, các nội dung hội đàm tương tự như những gì mà báo chí dự đoán. Nghĩa là cuộc gặp thượng đỉnh mới chỉ đưa ra nhiều cam kết chung nhưng lại ít giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất chính là mối quan hệ giữa hai Tổng thống cũng như những thông tin công khai hơn xung quanh cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vốn là hố sâu ngăn cách quan hệ hai nước.

Đáng chú ý là lần đầu tiên Tổng thống Nga thừa nhận rằng ông đã hy vọng ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vì những cam kết của ông Trump trong việc cải thiện quan hệ hai nước. Ông Vladimir Putin còn mô tả cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử là “sự đấu đá chính trị” và không nên được cho phép nhằm gây trở ngại quan hệ Nga-Mỹ.

Quan điểm của người đứng đầu Điện Kremlin là các cơ quan đặc biệt không thể quyết định liệu Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không mà chỉ có tòa án mới có thể làm được điều này. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Moscow không bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp tiến trình bầu cử của Mỹ nhưng sẵn sàng hợp tác điều tra kể cả khi phía Mỹ gửi yêu cầu tới về việc thẩm vấn những nghi phạm.

Về phía mình, Tổng thống Mỹ cũng khá cởi mở khi nói về thảo luận của ông với Tổng thống Vladimir Putin trong vấn đề này. Ông Donald Trump còn bác bỏ các ý kiến cho rằng Nga nắm giữ thông tin tình báo bất hợp về ông và từ chối chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin về việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Ông chủ Nhà Trắng thậm chí đánh giá cao đề nghị của ông Vladimir Putin về việc điều tra chung vụ 12 người Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Khi kết thúc họp báo chung, Tổng thống Donald Trump còn bày tỏ tin tưởng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau thường xuyên hơn trong tương lại để củng cố cách thức hợp tác nhằm theo đuổi những giá trị chung.

Rõ ràng, về cơ bản, nhìn chung, cả hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đều khá hài lòng với Hội nghị thượng đỉnh lần này. Họ đã thể hiện rõ cho thế giới mình muốn gì và làm được những gì. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phản đối và cho rằng đây chỉ là hình thức, không hiệu quả và tốn thời gian.

Ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều tranh cãi về Hội nghị thượng đỉnh và nhiều chính trị gia đã tỏ rõ quan điểm không ủng hộ, và thể hiện sự bất bình khi ông Donald Trump lên tiếng bênh vực Nga trước các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng giới phân tích nhận định, việc ngồi cùng nhau nói chuyện với khoảng thời gian kéo dài hơn dự kiến đã là một nỗ lực rất lớn của Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Trump.

Dù kết quả hội đàm được thông báo tại cuộc họp báo chung chưa thể thỏa mãn được đòi hỏi của giới chính trị hai nước, song nó cũng là bước tiến lớn. Và nếu nói cuộc gặp chưa đạt được thoản thuận gì cụ thể thì cũng chưa đúng bởi ngay trong họp báo, ông Vladimir Putin đã cho biết, Nga sẵn sàng đồng ý gia hạn Hiệp ước START III ký ngày 8-4-2010 dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2021. Đó là chưa kể đến thông báo của Bộ Quốc phòng Nga trong ngày 16-7 về việc nước này đã rút tổng cộng 35 máy bay quân sự gồm máy bay chiến đấu và trực thăng khỏi Syria.

Dẫu vậy, mọi sự mới chỉ bắt đầu và phải nhìn nhận một thực tế rằng, những mâu thuẫn, bất đồng chỉ có thể được hóa giải bằng hành động cụ thể và thời gian sẽ là minh chứng quan trọng nhất.

Phan Hiển (tổng hợp)
.
.
.