Lệnh trừng phạt "xói mòn" tình đồng minh Washington - Ankara

Thứ Ba, 15/12/2020, 21:45
Bộ Tài chính Mỹ ngày 14/12 đã áp trừng phạt với 4 quan chức và Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng (SSB) Thổ Nhĩ Kỳ, một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm tăng cường an ninh quốc gia và quản lý việc cung cấp công nghệ quân sự, do Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh minh họa Getty Images. 

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 15/12 cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã “làm lung lay mọi giá trị” của liên minh giữa hai nước.

“Rõ ràng rằng các lệnh trừng phạt đối với một nước thành viên NATO sẽ không chỉ làm tổn hại đến tinh thần của liên minh mà còn làm xói mòn lòng tin giữa các đồng minh”, ông Akar nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các biện pháp trừng phạt không phù hợp với thực tế quân sự và chính trị, đồng thời cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để đảm bảo khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa tên lửa và không lực.

Bộ trưởng này hối thúc Mỹ đảo ngược quyết định và nhấn mạnh rằng việc “trở lại hợp tác và đoàn kết với Mỹ sẽ đóng góp quan trọng cho hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu”.

Tuyên bố của Bộ trưởng Akar được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với SSB và một số quan chức, bao gồm cả chủ tịch SSB Ismail Demir.

Dù vậy, Washington vẫn khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là “đồng minh đáng giá”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh các lệnh trừng phạt được đưa ra tuân theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), một đạo luật năm 2017 đe dọa cấm vận đối với bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí từ Moscow.

Ông Pompeo cũng gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là “một đồng minh có giá trị và một đối tác an ninh quan trọng trong khu vực”, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “lịch sử hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ” của hai nước sẽ tiếp tục một khi Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ “chướng ngại vật”, đó là hệ thống S-400 của Nga.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích động thái này, nói rằng Ankara sẽ “thực hiện các bước cần thiết chống lại quyết định từ phía Mỹ, điều chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước”. Bộ này nói thêm rằng lời biện minh cho các lệnh trừng phạt rằng S-400 là mối đe dọa đối với máy bay và hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO là không có cơ sở.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi các biện pháp trừng phạt là “một biểu hiện khác của thái độ ngạo mạn đối với luật pháp quốc tế” của Washington, trong khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc Mỹ thể hiện sự “nghiện các lệnh trừng phạt và coi thường luật pháp quốc tế”.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã trở thành một trong các vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Ankara với các đồng minh Mỹ và NATO. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký hợp đồng S-400 vào cuối năm 2017, với việc Moscow đề nghị với Ankara một thỏa thuận tài chính hào phóng sau khi kế hoạch mua hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ bị đình trệ.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Mỹ loại bỏ Ankara chương trình F-35. Washington cũng đã nhiều lần cảnh báo Ankara về việc sử dụng S-400, với lý do không tương thích với các hệ thống của NATO.

Duy Tiến
.
.
.