Kỳ vọng từ Muchen

Thứ Bảy, 15/02/2020, 08:45
Diễn ra từ ngày 14 - 16/2 tại thành phố Munich của Đức, Hội nghị An ninh Muchen được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng”, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2…


Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu, và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV)… cũng sẽ là nội dung trọng tâm của hội nghị, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu đối với chính sách an ninh và những điểm tương đồng giữa thương mại, phát triển công nghệ và an ninh quốc tế. Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger đánh giá: “Chúng ta có nhiều cuộc khủng hoảng hơn, khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn và 3 ngày hội nghị không đủ để thảo luận về tất cả các xung đột trên thế giới”.
Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger.

Theo giới phân tích, Hội nghị An ninh Munich năm nay tuy không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng; đối phó với các thách thức, nguy cơ; bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

Dư luận quốc tế mong muốn các quốc gia tăng cường mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Hội nghị An ninh Muchen lần thứ 56 quy tụ khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng đến từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế. Khoảng 3.900 cảnh sát từ 8 bang trên toàn nước Đức được huy động tham gia bảo vệ an ninh cho hội nghị.

Theo Báo cáo An ninh Munich 2020 được đưa ra trước thềm hội nghị, tình hình an ninh thế giới tiếp tục bấp bênh những năm gần đây trong bối cảnh cả thế giới nói chung và các nước phương Tây đều không chắc chắn về giá trị và định hướng chiến lược của họ.

Trong khi một số chuyên gia đánh giá, phương Tây đang bị đe dọa từ “chủ nghĩa quốc tế tự do”, nhiều người khác lại cho rằng, “sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi tự do và sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc khiến phương Tây gặp nguy hiểm”. Dù có sự bất đồng về quan điểm trên, việc phương Tây tăng cường can dự vào các cuộc xung đột bạo lực ở nước ngoài không làm cho những cuộc xung đột này biến mất.

Thực tế, chúng có thể khiến tình hình trở nên bạo lực hơn. Mặt khác, Hội nghị An ninh Munich thường là một trong những sự kiện tốt nhất để đánh giá định hướng tư duy chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi nó thu hút nhiều nhà hoạch định chiến lược cấp cao. Hội nghị cũng là cơ hội để kiểm tra phản ứng quốc tế đối với Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới được tiết lộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về châu Âu, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dân túy ở nhiều quốc gia, một số chuyên gia dự đoán, EU có thể sẽ “co lại” và ít can dự vào các vấn đề thế giới. Do đó, các chuyên gia tại hội nghị sẽ phân tích, liệu EU sẽ làm thế nào để hiệu quả hơn, đặc biệt là về hợp tác quốc phòng.

Trong khi đó, nhiều người châu Âu muốn thấy EU khẳng định mình là một thế lực toàn cầu theo đúng nghĩa, có sự độc lập hơn với Mỹ. Nếu Mỹ có xu hướng từ bỏ Trung Đông - trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở những nơi như Syria và Libya - đây có thể là thời điểm để châu Âu đưa ra cách tiếp cận tập trung hơn vào lợi ích của mình trong khu vực, cả về chiến lược và kinh tế.

Ngoài ra, tại hội nghị năm nay, Nga vẫn sẽ là vấn đề gây tranh cãi cho các chiến lược gia châu Âu. Châu Âu bị chia rẽ giữa việc duy trì đối thoại cùng quan hệ kinh tế và sự cảnh giác đối với các mục tiêu chiến lược của Nga. Trong khi một số người thậm chí mong đợi Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được mời tham dự hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay tại Mỹ, những người khác cho rằng, trọng tâm nên tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc.

Với châu Á, năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẵn sàng đẩy lùi những gì họ cho là sự can thiệp từ bên ngoài vào “sân sau” của mình - Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hiện Trung Quốc đang rơi vào cuộc cạnh tranh thương mại với Mỹ và đang đối phó với đợt bùng phát chủng mới của virus Corona (Covid-19) - điều khiến một số quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại. Do đó, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì để thực hiện tuyên bố trên.

Tiếp theo, những chủ đề về quan hệ giữa Trung Quốc với Hong Kong hay sự quan ngại của phương Tây về công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cũng có thể được quan tâm mạnh mẽ. Một vấn đề trọng tâm ở châu Á khác là tình hình Bán đảo Triều Tiên. Năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức hai cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Năm nay, bầu không khí có vẻ ảm đạm hơn. Triều Tiên tuyên bố họ không còn bị ràng buộc bởi các cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa - và trên thực tế, Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ. Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ vì đã không thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt “tàn bạo và vô nhân đạo”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.