Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII bàn nhiều vấn đề quan trọng

Thứ Bảy, 06/03/2021, 08:30
Sáng 5/3, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh đã diễn ra Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội - NPC) khóa XIII.


Hội nghị năm nay mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/2021) và chính thức bước vào năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), cũng là năm đầu tiên trên con đường thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Nhân Đại, tức Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) Uông Dương và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng khoảng 3.000 đại biểu Quốc hội đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân đã tham dự hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của quốc gia này.

Trong "Báo cáo công tác Chính phủ" trình bày tại hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định những "thành quả chiến lược quan trọng" mà Trung Quốc đạt được trong phòng chống dịch COVID-19, nhấn mạnh đây là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế chủ chốt duy nhất trên toàn cầu đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Trung Quốc sáng 5-3 tại Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định, việc Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tạo việc làm, đảm bảo các mục tiêu dân sinh và hỗ trợ chủ thể thị trường, đặc biệt là giành chiến thắng toàn diện trong cuộc chiến thoát nghèo, một trong những thành tựu mang tính quyết định của mục tiêu 100 năm lần thứ nhất - xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững, lành mạnh, tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ nước này trong năm 2021.

Bên cạnh các mục tiêu tăng, như GDP tăng trưởng trên 6% , phấn đấu tạo việc làm cho hơn 11 triệu người, hàng loạt chỉ tiêu khác của Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm, cơ bản trở về như thời kỳ trước khi bùng phát dịch, như chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng khoảng 3%, thấp hơn mức 3,5% từng đặt ra cho năm 2020 và bội chi ngân sách 3,2%, thấp hơn mức 3,6% của một năm trước...

Giải thích về mục tiêu GDP tăng trưởng 6% trong khi theo nhiều dự báo Trung Quốc có thể tăng tới 8% trong năm nay, ông Lý Khắc Cường cho biết: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu mang tính tổng hợp, mục tiêu dự kiến của năm nay đặt ở ở mức trên 6% là xem xét đến tình hình phục hồi trong vận hành kinh tế, gắn kết ổn định với các mục tiêu sau này, có lợi cho việc thực hiện phát triển bền vững, lành mạnh".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc cũng thừa nhận những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế nước này gặp phải, như các yếu tố không ổn định, không xác định của tình hình quốc tế ngày càng gia tăng; tình hình kinh tế thế giới phức tạp nghiêm trọng; công tác phòng chống dịch trong nước vẫn tồn tại những mắt xích yếu; nền tảng khôi phục kinh tế chưa chắc chắn; tiêu dùng trong nước vẫn bị kìm hãm; các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và các hộ làm ăn cá thể còn gặp nhiều khó khăn, áp lực việc làm lớn, năng lực sáng tạo trong các lĩnh vực then chốt còn yếu...

Đáng chú ý, báo cáo công tác năm nay của Chính phủ Trung Quốc còn dành riêng một phần để tổng kết các thành tựu nổi bật trong 5 năm qua, như GDP tăng từ 70.000 tỷ nhân dân tệ lên 100.000 tỷ nhân dân tệ, mục tiêu xây dựng quốc gia sáng tạo cũng giành nhiều thành quả, giải quyết việc làm cho hơn 60 triệu người..., đồng thời đề ra các mục tiêu sơ bộ cho 5 năm tới. Trong đó, nâng cao chất lượng hiệu quả phát triển được đặt lên hàng đầu, tiếp đó là đổi mới sáng tạo với mức đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo trên 7% và cao hơn 5 năm trước đó; hình thành thị trường trong nước lớn mạnh và tạo dựng cục diện phát triển mới "tuần hoàn kép", chấn hưng toàn diện nông thôn nhằm củng cố thành quả thoát nghèo...

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng trình bày Dự thảo ngân sách quốc gia, trong đó chỉ ra rằng, trong năm nay, chi phí quốc phòng của Trung Quốc dự kiến tăng 6,8%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2020. Với mức tăng này, ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc năm nay sẽ ở mức hơn 1355 tỷ nhân dân tệ (khoảng 209 tỷ USD), tăng 6,8% - mức tăng phần trăm thấp nhất trong hai thập niên.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoản chi phí này chỉ tăng 6,6%. Tỷ lệ phần trăm tăng hai con số trong những năm qua đã khiến Trung Quốc là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Với 3 triệu binh sĩ, quân đội Trung Quốc đã bổ sung hàng không mẫu hạm, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và máy bay chiến đấu tàng hình vào kho vũ khí. Chính phủ Trung Quốc cho biết, phần lớn các khoản tăng chi tiêu quốc phòng đều hướng tới việc cải thiện lương và các điều kiện khác cho quân đội.

Ông Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tối 4-3 nhấn mạnh, việc tăng ngân sách quốc phòng ở nước này  về tổng thể là "hài hòa" với phát triển kinh tế. Việc Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng chi phí quốc phòng một cách vừa phải và ổn định là nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, lợi ích phát triển, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và phù hợp với nhu cầu cải cách quân sự đặc sắc Trung Quốc.

Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, từ 2016-2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã lần lượt tăng 7,6%, 7%, 8,1%, 7,5% và 6,6%.  Mục tiêu của quân đội Trung Quốc là xây dựng lực lượng "hiện đại hóa hoàn toàn" vào năm 2027 và "quân đội hàng đầu thế giới" vào giữa thế kỷ.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu cũng sẽ xem xét dự thảo Đề cương Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) về phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035; xem xét Báo cáo về việc thực hiện kế hoạch năm 2020 và Báo cáo về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia năm 2021, cùng Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia năm 2021.

Xem xét Báo cáo về việc thực hiện ngân sách trung ương và địa phương năm 2020 và Báo cáo về dự thảo ngân sách trung ương và địa phương năm 2021, cùng Dự thảo ngân sách trung ương và địa phương năm 2021; đồng thời thảo luận nhiều văn kiện quan trọng khác, bao gồm Dự thảo sửa đổi Luật tổ chức NPC, Dự thảo nghị quyết của NPC về việc cải tiến hệ thống bầu cử của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ NPC, Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Do tình hình dịch bệnh, cũng giống năm 2020, Hội nghị năm nay sẽ chỉ diễn ra trong 7 ngày và kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Khổng Hà
.
.
.