Không để hợp tác song phương bị đảo ngược

Thứ Năm, 22/12/2016, 09:32
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều cho rằng, vụ tấn công rõ ràng là âm mưu hòng phá hoại quan hệ giữa hai nước chỉ vừa mới ấm lên sau một thời gian nguội lạnh do những bất đồng liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhấn mạnh, quan hệ Nga – Thổ sẽ không vì vụ việc mà nổi sóng trở lại.

Đó là lời khẳng định của Moskva và Ankara sau vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị ám sát hôm 19-12. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều cho rằng, vụ tấn công rõ ràng là âm mưu hòng phá hoại quan hệ giữa hai nước chỉ vừa mới ấm lên sau một thời gian nguội lạnh do những bất đồng liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhấn mạnh, quan hệ Nga – Thổ sẽ không vì vụ việc mà nổi sóng trở lại.

Để làm rõ quan điểm này, ngay sau vụ tấn công, cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan đều có phát biểu khẳng định, âm mưu trên sẽ không thực hiện được, mà trái lại, hành động khiêu khích này khiến Moskva và Ankara càng quyết tâm phối hợp đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố. Bên cạnh đó, câu trả lời rõ nhất của hai nước có lẽ chính là việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Nga gửi các nhà điều tra tới nước này, trong đó bao gồm cả các nhân viên tình báo.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo, con phố nơi đặt cơ quan ngoại giao Nga từ nay sẽ được đổi tên theo tên Đại sứ Andrey Karlov. Về phía Nga, báo chí và dư luận nước này cũng tỏ ra tránh mọi suy đoán mang tính “thuyết âm mưu” hay chỉ trích nặng nề chính quyền Ankara, mà tập trung vào kêu gọi điều tra cũng như thắt chặt an ninh. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thì lên tiếng kêu gọi đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố, nhấn mạnh đến sự cần thiết bổ sung các biện pháp an ninh tại các cơ quan ngoại giao Nga ở nước ngoài.

Chưa hết, chính phủ hai nước cũng quyết định giữ nguyên lịch trình cuộc họp cấp Ngoại trưởng giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran diễn ra hôm 20-12 (giờ địa phương) tại thủ đô Moskva (Nga) để thảo luận về tình hình Syria. Tại cuộc họp, ba bên đã nhất trí về các biện pháp khôi phục tiến trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột tại Syria.

Tuyên bố của Ngoại trưởng 3 nước (Tuyên bố Moskva) khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời tin tưởng rằng, cuộc xung đột Syria không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự.

Tổng thống Putin (trái) và người đồng cấp Erdogan trong một cuộc gặp. Ảnh: Vesti.

Tính tới thời điểm này, phần lớn bối cảnh và động cơ ám sát Đại sứ Andrey Karlov vẫn còn là một ẩn số đối với các cơ quan điều tra của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm sáng 21-12 (giờ Việt Nam) với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tái khẳng định, cả Moskva và Ankara đều nhận thức rõ tổ chức do Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ cầm đầu đứng sau vụ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt giữ 13 người liên quan tới vụ ám sát này.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ ám sát Đại sứ Nga, đồng thời lo ngại về các thông tin bất lợi mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ, Ngoại trưởng Kerry lo ngại trước những phát ngôn từ Ankara cho rằng, Mỹ tham gia hoặc hỗ trợ vụ ám sát Đại sứ Nga hôm 19-12, bởi Giáo sỹ Gulen đang sống ở Mỹ.

Theo ông John Kirby, những cáo buộc này là “hoàn toàn vô căn cứ”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải để các nhà điều tra tiến hành nhiệm vụ, tìm hiểu sự thật và thu thập chứng cứ xác đáng trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào.

Có bình luận cho rằng, mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện một thái độ đồng lòng nhưng điều đó khó có thể che giấu được hết những va chạm ngầm trong quan hệ hai nước về cuộc chiến tại Syria, bao gồm cả số phận của Tổng thống Bashar al-Assad. Cùng nỗ lực cho một lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này nhưng lập trường của Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ lại có sự khác nhau rõ rệt.

Đối với ông chủ Điện Kremlin, Syria mang một ý nghĩa địa chính trị quan trọng, giúp Nga củng cố sức mạnh và gia tăng vị thế tại Trung Đông. Từ lập trường của Moskva, Nga hiện diện tại Syria đồng nghĩa với sự bảo hộ cho chính quyền hợp pháp (của Tổng thống Assad) chống lại các lực lượng đối lập - mà theo cáo buộc của Nga - được Mỹ “chống lưng”. Tuy nhiên, Nga hoàn toàn nhận thức được rằng các hành động quân sự của mình tại Trung Đông sẽ đem lại không ít kẻ thù.

Trong khi đó, về phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột, chính quyền của ông Erdogan thể hiện sự ủng hộ “nhiệt thành” với các lực lượng đối lập tại Syria. Nhưng những hàn gắn gần đây trong mối quan hệ với Moskva cho thấy, thái độ của Ankara với chính quyền Tổng thống Assad đang thay đổi - hướng tới một sự mềm dẻo hơn nhiều so với trước.

Giới phân tích nhận định, mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn những bất đồng trong vấn đề Syria, song Moskva và Ankara lại có cùng mục tiêu chống khủng bố, đồng thời việc sớm ổn định tình hình ở Syria không chỉ giúp loại bỏ một mối đe dọa về an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của nước này, cũng như của Nga trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Điều này đã được chứng minh trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đưa ra ngay sau thảm kịch: “Chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ chiến thắng, chúng tôi sẽ đấu tranh một cách quyết liệt”.

Khổng Hà
.
.
.