Italy sẵn sàng cho cuộc bầu cử quan trọng nhất châu Âu năm 2018

Thứ Bảy, 03/03/2018, 08:04
Ngày 4-3, cử tri Italy sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được coi là quan trọng nhất châu Âu trong năm 2018. Kết quả của cuộc bầu cử này có thể đem đến những tác động đáng kể đến "lục địa già" nói chung, cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng.


Luật bầu cử mới chính thức được áp dụng

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ được tổ chức dựa theo luật bầu cử mới đã được Quốc hội Italy thông qua hồi cuối tháng 10-2017. Trước đó, trong 5 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện về các điều khoản khác nhau của dự luật này, Chính phủ Italy đều giành được sự ủng hộ của đa số đối với các điều khoản dự luật. 

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đã đề nghị tiến hành 5 cuộc bỏ phiếu này với mục đích để Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật bầu cử mới trong bối cảnh dự luật nêu trên đang vấp phải sự phản đối dữ dội của đảng Phong trào 5 sao (M5S) và các nhóm cánh tả nhỏ. 

Dự luật bầu cử mới được cho là có thể gây bất lợi cho đảng dân túy M5S, bởi nó cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước khi diễn ra tổng tuyển cử, trong khi M5S lâu nay luôn từ chối gia nhập bất kỳ liên minh nào. 

Đại diện M5S từng cho rằng luật bầu cử nói trên có thể khiến đảng này mất tới 50 ghế tại Hạ viện, hay thậm chí mất đi cơ hội trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội khóa tới sau bầu cử. 
Các ứng cử viên nặng ký trong cuộc tổng tuyển cử của Italy năm 2018. Ảnh: Getty Image

Cũng theo luật bầu cử mới, cử tri Italy sẽ bỏ phiếu bầu ra các nghị sĩ tại Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội, trong đó 232/630 ghế tại Hạ viện và 102/315 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành được số phiếu cao nhất sẽ thắng cử. Số còn lại sẽ được bầu theo cơ chế đại diện theo tỉ lệ, thông qua danh sách ứng cử viên của các đảng. Mỗi đảng đơn lẻ cần phải giành được ít nhất 3% số phiếu bầu mới có ghế tại Quốc hội trong khi mức này đối với liên minh các chính đảng là 10%.

Cuộc chạy đua của những ứng viên "nặng ký"

Mặc dù phải từ chức Thủ tướng gần 6 năm, và tính đến nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi vẫn quay trở lại cuộc đua bầu cử với Liên minh cánh hữu gồm đảng trung hữu tiến lên Italy (FI) của ông, đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (Lega) và đảng Những người Italy (FdI). 

Trong một tuyên bố hồi tháng 9-2017, ông cam kết nếu phe trung hữu giành quyền lực, ông sẽ cắt giảm mạnh các loại thuế, tăng lương hưu tối thiểu và trợ cấp nhiều hơn cho các gia đình nghèo. 

Đối thủ của ông Berlusconi trong cuộc bầu cử lần này chính là Liên minh cánh tả trong đó có Đảng Dân chủ PD trung tả của cựu Thủ tướng Matteo Renzi. 

Mặc dù thừa nhận PD đã thua trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp năm 2016, nhưng ông Renzi cho rằng đảng PD hiện nay có đủ điều kiện và khả năng giành đủ đa số ghế cần thiết trong Quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ. 

Ứng cử viên "đang lên" M5S, một lực lượng dân túy theo chủ nghĩa bài EU do chính trị gia Luigi Di Maio lãnh đạo đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Nếu như trúng cử, ông Luigi Di Maio sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất tại châu Âu.

Trong cuộc thăm dò dư luận gần nhất diễn ra ngày 16-2 do BBC công bố, tỷ lệ ủng hộ đối với liên minh của ông Berlusconi đang ở mức 37%, khá gần với mức cần thiết 40% để thực sự có cơ hội đứng ra thành lập chính phủ. 

Kết quả thăm dò của cả Tecne cũng cho thấy đảng xếp thứ hai là M5S với tỉ lệ 28%, trở thành đảng đơn lẻ có tỉ lệ ủng hộ cao nhất so với các đảng khác. Trong khi đó, sự ủng hộ đối với liên minh trung tả có đảng PD bị sụt giảm, chỉ còn khoảng 26%. Song, 

Chủ tịch viện nghiên cứu Tecne, ông Carlo Buttaroni cho biết ngoài việc phải giành được tối thiểu 40% số phiếu bầu, một đảng hoặc liên minh chính đảng còn cần phải đánh bại đối thủ ở vị trí thứ hai với khoảng cách hơn 12% số phiếu bầu mới giành được quyền tự thành lập chính phủ, tạo một dự cảm không trọn vẹn về kết quả của cuộc bầu cử tới đây.

Kịch bản nào có thể xảy ra?

Các nhà phân tích cho rằng với cơ chế bầu cử mới căn cứ dự luật nói trên, khó có đảng nào sẽ giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 4-3 tới. Do đó, nhiều khả năng một Quốc hội treo sẽ là kịch bản dễ xảy ra nhất. 

Trong trường hợp này, Tổng thống Italia Sergio Mattarella sẽ chỉ định một đảng hoặc liên minh chính đảng giành được nhiều ghế nhất đứng ra thương lượng với các đảng khác để thành lập chính phủ. Khả năng này dễ dẫn đến việc thành lập một chính phủ đại liên minh trong đó có đảng FI của cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. 

Tuy nhiên, trang The Local Italy lại đưa ra một kịch bản rằng nếu M5S giành đủ số phiếu cần thiết để thành lập một chính phủ riêng lẻ, hoặc liên minh với những đảng khác từng là đồng minh của cựu Thủ tướng Italy như đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN), rất có khả năng Italy sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của một chính phủ bài EU. Song kịch bản này vẫn được coi là rất khó xảy ra.

Theo BBC, kể từ sau "cuộc ly hôn" của Anh và châu Âu, Italy sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của lục địa này. Do đó, kết quả cuộc bầu cử Italy có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán, cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn mà quốc gia này đang ban hành.

An Nhiên
.
.
.