Hai chuyến thăm, một mục đích

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:40
Ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du 3 nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Iran và Ai Cập, ngày 23-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã vội vàng bay tới Saudi Arabia. 


Hai chuyến thăm này, về mặt khách quan, là vì những nhiệm vụ khác nhau. Nhưng về mặt chủ quan, cả hai ông Tập Cận Bình và John Kerry tới Trung Đông lần này đều vì một mục đích: dịch chuyển sang Đông.

Ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du 3 nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Iran và Ai Cập, ngày 23-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã vội vàng bay tới Saudi Arabia. Hai chuyến thăm này, về mặt khách quan, là vì những nhiệm vụ khác nhau. Nhưng về mặt chủ quan, cả hai ông Tập Cận Bình và John Kerry tới Trung Đông lần này đều vì một mục đích: dịch chuyển sang Đông.

Ngoại trưởng Kerry tới Saudi Arabia với hy vọng xoa dịu căng thẳng giữa cường quốc Hồi giáo dòng Sunni này với quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống là Iran sau vụ Riyadh hành quyết giáo sỹ Hồi giáo theo dòng Shiite Nimr al-Nimr dẫn đến làn sóng cắt đứt ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia, cũng như thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Syria.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Rouhani tại buổi họp báo chung. Ảnh: IRNA.

Ngay trước thềm chuyến thăm, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “nỗ lực giảm leo thang căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn với cả khu vực Trung Đông”. Giới quan sát nhận định, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Do Mỹ vẫn còn do dự trong sự xếp đặt nặng nhẹ về cuộc chiến chống khủng bố và việc phản đối Nga, nên để giải quyết làn sóng dân di cư và mối đe dọa khủng bố, châu Âu đã bỏ qua Washington để hợp tác với liên minh chống khủng bố theo dòng Shiite do Nga lãnh đạo tấn công cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Để ngăn chặn Nga và châu Âu tiến gần nhau hơn, Mỹ vốn đã chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông và đành phải một lần nữa quay lại Trung Đông, đồng thời có sự thỏa hiệp nhất định về lập trường trong vấn đề Syria, mặc dù mới tuyên bố lệnh trừng phạt mới với 12 công ty của Iran do có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo, dẫn đến một đợt va chạm ngoại giao mới giữa Mỹ và Iran.

Sự kiện này dường như cũng đã khích lệ Saudi Arabia cố ý xử tử giáo sĩ Nirm al-Nirm cũng các phần tử khủng bố, như là để nhắc nhở phương Tây rằng, Iran mới là đầu sỏ của chủ nghĩa khủng bố. Cho dù vậy, Washington sẽ không để mặc cho xung đột giữa Tehran và Saudi Arabia ảnh hưởng tới tiến trình chính trị ở Syria, càng sẽ không cho phép nó diễn biến tới mức mất kiểm soát gây trở ngại cho chiến lược chuyển dịch sang phía Đông của nước này.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc khủng hoảng ngoại giao Iran – Saudi Arabia sẽ không leo thang, mở rộng không giới hạn. Vì cả Tehran và Riyadh đều không chuẩn bị tiến hành đối kháng toàn diện. Sau vụ đốt cháy Đại sứ quán Saudi Arabia, Chính phủ Iran và Lãnh tụ tối cao đều yêu cầu dân chúng có lý trí và kiềm chế. Sau khi sứ quán ở Yemen bị không kích ngày 7-1, ngoài lên án Saudi Arabia, Iran không có những động thái quá giới hạn.

Người Iran hiểu rõ rằng, dùng chương trình hạt nhân để đổi lấy bình thường hóa quốc gia mới là lợi ích tối cao của chính quyền. Về phía Saudi Arabia, an ninh quốc gia và an ninh tài sản đồng USD lâu nay dựa vào Mỹ, mất đi sự ủng hộ của Mỹ, đầu tư nước ngoài ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và Yemen sẽ không thể thành công. Trong tình hình Mỹ có những điều chỉnh lớn trong chiến lược đối với Trung Đông, làm thế nào để tránh bùng phát một Mùa xuân Arab ở nước mình, giữ vững chế độ hoàng tộc mới là quan trọng nhất.

Trong khi đó, có thể thấy 3 quốc gia mà Chủ tịch Trung Quốc viếng thăm đều có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi trọng tâm của chuyến công du sẽ là việc nắm bắt các cơ hội về kinh tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định của khu vực, chống khủng bố và ngoại giao nhân dân.

Chuyến công du cũng cho thấy rõ những ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh, khi đang phải đối mặt với những thách thức bên trong như GDP tăng chậm lại, thị trường chứng khoán nhiều lần sụt giảm, “tự ngắt” và vô vàn những khó khăn khác. Trong bối cảnh đó, đương nhiên Trung Quốc phải ưu tiên những mối quan hệ rộng rãi và hiệu quả với thế giới bên ngoài, trong đó có Trung Đông – hiện là điểm trọng yếu trong bản đồ chiến lược của Bắc Kinh.

Ngoài ra, năm 2013, Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm kết nối vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, Trung Đông là một khu vực quan trọng vì là một trong ba tuyến đường được chọn cho sáng kiến này. Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Guo Xian Gang nêu rõ: “Trung Đông là một khu vực quan trọng đối với Bắc Kinh bởi nguồn tài nguyên năng lượng và vị thế địa chính trị. Iran, Ai Cập và Arabia Saudi là 3 nước lớn trong khu vực - đó là một yếu tố quan trọng cho việc lựa chọn chuyến công du này của ông Tập Cận Bình”.

Liên quan tới những tranh chấp và khủng hoảng tại Trung Đông, một tuần trước chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh lần đầu tiên công bố Văn kiện chính sách về Trung Đông, hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho các chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố thông qua sự hợp tác dài hạn về an ninh, chia sẻ tình báo và hợp tác kỹ thuật. Là một trong số ít quốc gia trên thế giới cùng lúc duy trì được các mối quan hệ tốt với cả Iran, Saudi Arabi, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, chắc chắn, chuyến công du phản ánh sự ưu tiên Trung Đông trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh củng cố lại vai trò của mình ở Trung Đông và định hướng cho tương lai phát triển của mối quan hệ Trung Quốc - Trung Đông.

Khổng Hà
.
.
.