Gay cấn bỏ phiếu sớm ở Mỹ

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:03
Phải tới ngày 8-11 mới tới ngày bầu cử chính thức Tổng thống Mỹ năm 2016, nhưng tính đến thời điểm này đã có hàng chục nghìn cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, tỷ phú Donald Trump và các ứng cử viên khác tham gia tranh cử. Cụ thể, khoảng 130.000 người đã hoàn tất việc bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống Mỹ trong tổng số 130 triệu cử tri dự kiến đi bầu.

Giáo sư Michael McDonald, chuyên gia về bầu cử sớm thuộc Đại học Florida, giải thích, hệ thống bầu cử Mỹ hoạt động theo hình thức phân cấp, theo đó mỗi bang sẽ tự tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu.

Cử tri Mỹ có thể lựa chọn hai hình thức bầu cử sớm là qua email (thư điện tử) hoặc đến văn phòng chính quyền các hạt để bỏ phiếu trực tiếp.

Việc bỏ phiếu sớm bằng email được chấp nhận tại tất cả 50 bang của Mỹ, song cử tri phải đăng ký lá phiếu trước và phải khai lý do lựa chọn cách thức bỏ phiếu này. Tại 3 bang Colorado, Oregon và Washington, nhà chức trách gửi mẫu lá phiếu tới từng địa chỉ email của cử tri đăng ký bầu cử.

Trong khi đó, với cách thức bỏ phiếu trực tiếp, các điểm bỏ phiếu sẽ được mở sớm, vào khoảng tháng 10, tại 37 bang và Columbia. Cử tri bang Ohio có thể đi bỏ phiếu sớm vào ngày 12-10 tới.

Theo chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ tới Ohio vào ngày 14-10 để tham gia chương trình vận động bỏ phiếu sớm cho bà Clinton ở thành phố Cleveland.

Hoạt động bỏ phiếu sớm phần nào cung cấp thông tin về người được cử tri ủng hộ. Cử tri đăng ký theo đảng Dân chủ, Cộng hòa hoặc đảng khác, cơ quan bầu cử đôi khi công bố số liệu về lượng cử tri từng đảng đăng ký bỏ phiếu sớm.

Ví dụ, tại Iowa, số đảng viên Dân chủ đăng kỷ bỏ phiếu vắng mặt nhiều gấp hai lần đảng viên Cộng hòa, cho thấy bà Clinton có lợi thế. Tại các bang hay dao động như Michigan, New Hampshire, Florida và Nevada, dường như các cử tri đã “chọn mặt gửi lá phiếu” cho bà Clinton.

Theo thăm dò của tờ Detroit News/WDIV, tại bang Michigan, bà Clinton dẫn trước ông Trump 7 điểm – với tỷ lệ ủng hộ tương ứng là 42% và 35%. Trong một thăm dò khác gồm có ứng viên của đảng thứ ba, bà Clinton vẫn dẫn trước 7 điểm.

Thăm dò của Đài Phát thanh WBUR của thành phố Boston cũng cho thấy tỷ lệ tương tự cho hai ứng viên tại bang New Hampshire. Thăm dò của Đại học Suffolk tại Nevada cho ra kết quả gần như vậy, với tỷ lệ cho Clinton là 44% và Trump là 38%. Tuy nhiên, những số liệu này không thể dự báo trước kết quả bầu cử.

Đảng Dân chủ có thể đã vận động tại Iowa sớm hơn đảng Cộng hòa. Ngoài ra, người lớn tuổi thường bỏ phiếu trước người trẻ tuổi, vốn thích đảng Cộng hòa hơn. Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, hiện tượng các cử tri đi bỏ phiếu sớm đang ngày càng trở nên phổ biến. Năm 1996, chỉ có 10,5% số cử tri đăng ký đi bầu cử sớm, song tỷ lệ này đã tăng lên hơn 30% vào thời điểm năm 2012.

Cử tri bang Ohio bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 ở Medina, Ohio, ngày 26-10-2012. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan, vào trưa 5-10 (giờ Việt Nam), hai ứng cử viên liên danh tranh cử Phó Tổng thống Mỹ năm 2016 là Tim Kaine của đảng Dân chủ và Mike Pence của đảng Cộng hoà đã hoàn tất cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và cũng là duy nhất kéo dài 90 phút tại hội trường Đại học Longwood ở tiểu bang Virginia, trong đó các vấn đề nổi bật về chính sách đối nội - đối ngoại của nước Mỹ đều được hai ứng cử viên đưa ra tranh luận.

Về chính sách đối nội, ông Pence chỉ trích Chính quyền của Tổng thống Obama đã khiến nước Mỹ phải gánh khoản nợ công cao kỷ lục, theo đuổi một chương trình chăm sóc sức khỏe “điên rồ” mang tên Obamacare khi hàng triệu người vẫn sống trong nghèo đói, nền kinh tế đang “thực sự khó khăn” và bị kìm hãm bởi những “thỏa thuận thương mại gây trở ngại cho các công nhân Mỹ”.

Theo ứng cử viên này, tỷ phú Trump chính là người có đủ khả năng “thiết kế” những thỏa thuận mang lại cho Mỹ hàng tỷ USD, hàng chục nghìn việc làm và đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”.

Trong khi đó, ông Kaine chỉ trích ông Trump luôn đặt mình lên trên hết và đang phát động một chiến dịch tranh cử tổng thống bằng những tuyên bố gây sốc và lăng mạ người khác.

Ông Kaine cũng cho rằng chủ trương cắt giảm thuế doanh nghiệp của ứng cử viên Trump sẽ đẩy nước Mỹ trở lại vòng xoáy suy thoái.

Theo ứng cử viên Kaine, Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc và tồn tại các cộng đồng người nhập cư. Chủ trương của tỷ phú Trump trục xuất hàng triệu người nhập cư không giấy tờ và xây bức tường biên giới với Mexico là hành động đi ngược lại giá trị truyền thống của nước Mỹ.

Ngoài ra, hai ứng cử viên cũng “đấu khẩu nảy lửa” về vấn đề kiểm soát súng đạn, quyền của người đồng giới và tình trạng phân biệt sắc tộc tại Mỹ.

Về chính sách đối ngoại, ông Kaine cho rằng, bà Clinton là người có bề dày kinh nghiệm đối ngoại sau thời gian giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2009-2013 và nữ chính khách này có đủ phẩm chất để “đối đầu với Nga”.

Trong khi đó, ông Pence lại nhấn mạnh việc Tổng thống Nga Vladimir Putin từng thể hiện sự tôn trọng đối với ông Trump vì các phẩm chất “mạnh mẽ, minh bạch và đơn giản”.

Ông Kaine nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đang góp phần ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong khi ông Pence chỉ trích bà Clinton phải chịu trách nhiệm về những thất bại trong vấn đề Iraq và cuộc chiến chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.