EU xây dựng cơ chế "phi USD" với Iran

Thứ Năm, 31/01/2019, 19:24

Pháp, Đức và Anh đã thiết lập một cơ chế châu Âu mới cho trao đổi thương mại không dùng đồng USD với Iran để ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ảnh minh họa. Getty Images. 

Các đồng minh châu Âu lớn của Washington đã phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA đạt được năm 2015, theo đó các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Iran được tạm thời dỡ bỏ để đổi lại việc Tehran chấp nhận kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.

Iran đã đe dọa rằng nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu các cường quốc châu Âu không đưa ra được những lợi ích kinh tế nhất định. Phía châu Âu đã hứa sẽ giúp đưa các công ty đến làm ăn với Iran với điều kiện nước này tuân thủ theo thỏa thuận.

Phía Washington cho rằng mặc dù Iran có tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận nhưng thỏa thuận này lại quá hào phóng và không thể kiềm chế được chương trình hạt nhân tên lửa của Iran cũng như kiềm chế nước này can thiệp vào khu vực. Các nước châu Âu cũng có cùng quan điểm này với Mỹ nhưng cũng cho rằng việc rút khỏi thỏa thuận không giúp giải quyết vấn đề gì.

Những lệnh trừng phạt mới của Mỹ dường như đã thành công trong việc thuyết phục các công ty châu Âu trong việc từ bỏ đầu tư vào Iran.

Đại sứ quán Mỹ tại Đức ngày 31-1 cho biết họ đang tìm hiểu thông tin chi tiết về cơ chế này, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ không gây ảnh hưởng đến việc tạo áp lực đối với Tehran.

Bất chấp những nỗ lực từ phía châu Âu trong việc bảo toàn lại thỏa thuận hạt nhân, quan hệ giữa EU và Tehran đang xấu đi. EU trong tháng này đã áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Iran kể từ hiệp ước hạt nhân năm 2015.

Trong một động thái mang tính biểu tượng, EU đã bổ sung hai cá nhân Iran và một đơn vị tình báo Iran vào danh sách khủng bố của khối.

Các quốc gia thành viên EU cũng đang hoàn thiện tuyên bố chung về Iran để chỉ ra những lo ngại về chính sách khu vực và chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, nhưng cũng thể hiện mong muốn duy trì hiệp định, với sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc.

Duy Tiến
.
.
.