EU xây dựng cầu nối và mở cánh cửa hợp tác với Cuba

Thứ Bảy, 06/01/2018, 09:47
Trong chuyến thăm Cuba kéo dài 2 ngày từ ngày 3 - 1 (theo giờ Cuba), Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã cam kết thúc đẩy vai trò chủ đạo của EU trong việc mở cửa kinh tế Cuba. Và Thỏa thuận Hợp tác và Đối thoại chính trị giữa EU và Cuba là một khởi đầu mới cho quan hệ giữa hai bên.


Trong bài phát biểu tại thủ đô La Habana, bà Federica Mogherini khẳng định, EU là một “đối tác lâu dài, bền chặt”, có thể giúp Cuba quản lý quá trình chuyển đổi và mở cửa kinh tế. 

Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh EU nói: “Chúng tôi có chính sách nhất quán trong vấn đề Cuba và có khả năng, kinh nghiệm lường trước được những gì có thể đổi thay, tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển đổi kinh tế của Cuba. Bất kể những thay đổi trong chính sách của Washington đối với Cuba, thông điệp tôi đưa ra tại đây là tình bạn và mối quan hệ với EU. Nó vững chắc, ổn định và đáng tin cậy”. 

Và để chứng minh cho những tuyên bố của mình, trong các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteba Lazo, các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez, Bộ trưởng Hợp tác và Đầu tư nước ngoài, Rodrigo Malmierca, Cao ủy EU đã chủ động vạch ra lộ trình để các thỏa thuận mà hai bên ký kết được đưa vào thực thi một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. 

Cao ủy EU Federica Mogherini cùng các thành viên trong đoàn thăm phố cổ ở La Habana trong chuyến thăm Cuba. Ảnh: Getty

Bà Federica Mogherini nhấn mạnh: “EU đã trở thành đối tác xuất khẩu quan trọng nhất và là đối tác thương mại thứ hai của Cuba. Điều này có nghĩa là có thể tăng mức độ quan hệ kinh tế và đầu tư giữa hai bên. Vào cuối tháng 1, một phái đoàn của Ngân hàng đầu tư châu Âu sẽ thăm Cuba. Các thỏa thuận hợp tác về năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững… với tổng trị giá 49 triệu Euro sẽ được ký kết sau chuyến thăm này”. 

Theo lịch trình, vào ngày 5-1 (theo giờ Cuba), bà Federica Mogherini có cuộc họp báo quan trọng về kết quả chuyến thăm Cuba trước đông đảo báo giới Cuba và quốc tế và có thể gặp gỡ với Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Phân tích về chuyến thăm đầy chiến lược của Cao ủy EU trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Cuba đang ngày càng xấu, một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Latinh nhận định: “Tôi tin rằng châu Âu có tiềm năng và sự quan tâm để có một chương trình nghị sự độc lập ở Cuba trong các vấn đề kinh tế và chính trị cho các mục đích chiến lược. EU dường như cảm nhận được một cơ hội mới để hơp tác với Cuba trong bối cảnh chính quyền La Habana có những bước đi về cải cách kinh tế. Hợp tác với Cuba mang lại tính biểu tượng lớn cho EU đồng thời cân bằng được ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc đối với quốc đảo này”. 

Một số tờ báo của Anh và Pháp sau đó cũng đã đăng tải lại bài phát biểu của bà Federica Mogherini và đánh giá là “EU đang có bước đi phù hợp” bởi chính phủ Cuba cũng đang tiến hành những bước cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế, đem lại sự tiến bộ không thể phủ nhận như: Thành công trong việc cắt giảm lực lượng lao động trong khu vực nhà nước, giảm bao cấp; phi tập trung hóa ngành nông nghiệp; khuyến khích đầu tư nước ngoài... 

Tờ Obsever viết: “EU đang có những bước phát triển tích cực trong quan hệ với Cuba. Trong giai đoạn này, việc xây dựng mối quan hệ chính trị tốt đẹp với Lục địa già cũng đem đến cho Cuba cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn và giàu tiềm lực cho quá trình cải cách và phát triển kinh tế”.

Trên thực tế, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1988, quan hệ giữa EU và Cuba trở nên căng thẳng sau khi Liên minh này áp đặt hàng loạt quy định vào năm 1996, trong đó giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Cuba. Đặc biệt, chính sách “Quan điểm chung” của EU về Cuba đã bị La Habana chỉ trích là đơn phương, mang tính chất can thiệp và phân biệt đối xử. 

Năm 2003, EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và đình chỉ hợp tác với Cuba liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận. Các hoạt động đàm phán chỉ được nối lại vào năm 2008. 

Tiến trình đàm phán Thỏa thuận Hợp tác và Đối thoại chính trị (PDCA) giữa Cuba và EU bắt đầu vào năm 2014, với 7 vòng đàm phán. Ngày 12-12-2016, thỏa thuận này đã được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 5-7-2017 vừa qua. 

Theo đó, từ ngày 1-11-2017, hầu hết các nội dung thỏa thuận đã có hiệu lực tạm thời, trong khi việc thực hiện đầy đủ sẽ bắt đầu sau khi tất cả các thành viên EU phê chuẩn. 

Thỏa thuận này được coi là khung pháp lý để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và là hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương. Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại chính của quốc gia này.

Phan Hiển
.
.
.