EC lên án việc Ba Lan rút khỏi công ước Istanbul

Thứ Hai, 27/07/2020, 09:53

Euronews ngày 27/7 đưa tin, Hội đồng châu Âu (EC) đã lên tiếng cảnh báo việc Ba Lan rút khỏi công ước Istanbul, một khuôn khổ pháp lý toàn diện về vấn đề phòng ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình. Không chỉ EC mà hàng ngàn phụ nữ Ba Lan cũng đã biểu tình phản đối quyết định này của Warsaw.

Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro mới đây tuyên bố, nước này sẽ rút khỏi công ước Istanbul vì cho rằng nội dung của công ước này hàm chứa các yếu tố về tư tưởng mà chính phủ Ba Lan cho là có hại.

Cụ thể, ông Ziobro cho rằng công ước này đã vi phạm quyền của phụ huynh khi yêu cầu các trường học dạy trẻ em về giới tính. Ông Ziobro cho biết đã gửi yêu cầu tới Bộ Lao động và Gia đình để bắt đầu quá trình làm thủ tục rút khỏi công ước vào ngày 27-7.

Không chỉ các nghị sĩ châu Âu mà ngay cả người dân Ba Lan cũng mạnh mẽ phản đối quyết định rút khỏi công ước Istanbul. Ảnh: CNN. 

Quyết định rút khỏi hiệp ước này được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình gia tăng tại châu Âu trong thời điểm các quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm chống lại dịch COVID-19.

Ngay sau đó, EC đã lên tiếng phản đối kịch liệt về kế hoạch của Ba Lan. "Đây là hành động đáng lên án của phía Ba Lan. Công ước Istanbul là một công ước quốc tế mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ", thông báo của EC có đoạn.

Nhiều nhóm nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu cũng lên án và khẳng định Warsaw đang đi ngược lại với sự tiến bộ của thế giới và những gì mà Chính phủ Ba Lan đang làm chỉ thể hiện rằng họ có một cái đầu quá bảo thủ.

Trước đó, hơn 2000 người, chủ yếu là phụ nữ đã đổ bộ xuống các con đường chính ở thủ đô Warsaw để phản đối quyết định này của chính phủ. Họ cho rằng điều chính phủ cần làm hiện nay là ưu tiên các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 chứ không phải chống lại phụ nữ. Thậm chí, nhiều người biểu tình còn mang theo biểu ngữ với nội dung “Đảng Phát luật và Công lý cầm quyền là địa ngục của phụ nữ”.

Được biết, Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền từ lâu đã phản đối việc nước này tham gia Công ước Istanbul vào năm 2015 và cho rằng hiệp ước này không tôn trọng tôn giáo và yêu cầu giảng dạy các tư tưởng xã hội tự do trong trường học.

Linh Đan
.
.
.