Dự luật chống khủng bố mới ở Pháp chính thức có hiệu lực

Thứ Tư, 01/11/2017, 10:36
Luật An ninh và chống khủng bố mới của Pháp đã được Tổng thống Emmanuel Macron đặt bút ký hôm 30-10 và được cho là thay thế lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt trên toàn quốc sau các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris hồi tháng 11 - 2015.


Trong bài phát biểu ngắn của mình tại Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Luật An ninh và chống khủng bố mới sẽ dẫn chúng ta thoát ra khỏi tình trạng khẩn cấp hiện nay, đồng thời đảm bảo an toàn cho tất cả công dân”. 

Lý giải về sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên trong Quốc hội, ông Emmanuel Macron nhấn mạnh, văn bản này sẽ có hiệu lực vào ngày 1-11 và được xem xét lại sau 2 năm thực thi. Tuy nhiên, luật an ninh và chống khủng bố mới chỉ được áp dụng khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào nửa đêm ngày 1-11. 

Phát ngôn viên chính phủ Pháp, Christophe Castaner thì cho biết, cơ chế này là một công cụ tạm thời được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, thay thế tình trạng khẩn cấp mà Pháp đã phải chịu đựng kể từ vụ tấn công khủng bố tháng 11 - 2015 tại Paris khiến 130 người thiệt mạng. 

An ninh được tăng cường tại Pháp sau vụ tấn công bằng dao ở Marseille hồi đầu tháng 10. Ảnh: DPA

Christophe Castaner nói: “Pháp luật là để cho phép thiết lập các chu vi an ninh ở bất kỳ khu vực nào được coi là một mục tiêu có thể có của một cuộc tấn công, trong đó sẽ có những kiểm soát có hệ thống đối với bất kỳ người nào cố gắng xâm nhập. Đồng thời, kiểm soát sẽ được thực hiện trong phạm vi bán kính 10km quanh các sân bay và ga đường sắt quốc tế… Chính quyền địa phương cũng có quyền đóng cửa bất kỳ trung tâm tôn giáo nào được coi là thúc đẩy hoặc kích động các hành động khủng bố. Cũng như trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ có thể hạn chế các phong trào của những người được cho là có liên hệ với các tổ chức khủng bố…”. 

Hãng tin AP thì cho hay, với đạo luật an ninh và chống khủng bố mới, Bộ Nội vụ Pháp sẽ được phép thiết lập các khu vực an ninh khi có mối đe dọa, hạn chế sự di chuyển của người và xe; có quyền thực hiện các cuộc khám xét mà không cần có lệnh của tòa án. 

Bên cạnh đó, cảnh sát cũng được trao thêm quyền lực trong khi khám xét nhà riêng và có quyền áp đặt các hạn chế về đi lại đối với người dân nếu có lệnh của tòa án; bao gồm cả việc gắn thẻ giám sát điện tử lên các đối tượng được cho là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Dự luật về luật an ninh và chống khủng bố mới đã được Pháp đưa ra từ tháng 7 - 2014 khi có những quan ngại về nguy cơ gia tăng các phần tử cực đoan mang quốc tịch Pháp tham chiến tại Syria hay Iraq. Khi đó, theo dự luật này, các phần tử bị tình nghi liên quan đến mạng lưới cực đoan ở Trung Đông có thể bị cấm ra nước ngoài tới 6 tháng. 

Số liệu của Bộ Nội vụ Pháp khi đó cho thấy, số lượng thanh thiếu niên Hồi giáo tại Pháp tham gia các lực lượng chiến binh Hồi giáo tại Iraq và Syria có thể lên tới hơn 1.000 người. Vì thế, dự luật mới cũng yêu cầu ngăn chặn các trang web cực đoan dung túng cho chủ nghĩa khủng bố. 

Nhưng đến tháng 11-2015, khi vụ tấn công khủng bố xảy ra và chính quyền Paris đã quyết định thêm nhiều biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp vào dự luật này. Một trong số các điều khoản gây tranh cãi nhất là quy định cấp quyền cư trú cho người xin cư trú không cần kiểm soát của một thẩm phán. 

Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng được quyền tiến hành các cuộc khám xét một cách hợp pháp, thay thế cho việc “khám xét hành chính” đang gây tranh cãi hiện nay. Đồng thời, dự luật đề xuất các biện pháp để các điều khoản này được thực thi nhằm đảm bảo an ninh cho người dân Pháp. 

Hôm 3-10 vừa qua, chỉ 2 ngày sau vụ tấn công khủng bố bằng dao ở thành phố cảng Marseille, miền Nam nước này, khiến 2 phụ nữ thiệt mạng, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật này với 415 phiếu thuận, 127 phiếu chống và 19 phiếu trắng. 

Khi đó, chính phủ Pháp vẫn giữ quan điểm rằng, dự luật này là câu trả lời bền vững cho mối đe dọa lâu dài, các điều khoản của dự luật sẽ bảo vệ toàn vẹn các quyền tự do cá nhân và tập thể, đồng thời đề xuất các biện pháp để các điều khoản này được thực thi nhằm đảm bảo an ninh cho người dân Pháp. 

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb cũng đã bảo vệ một số khía cạnh của các luật mới về vấn đề gây tranh cãi, nói rằng mối đe dọa khủng bố vẫn còn rất cao bất chất sự phản đối của nhiều nhà hoạt động về xã hội và nhân quyền. 

Hiện, theo kết quả một cuộc thăm dò của tờ Le Figaro, 57% công chúng Pháp ủng hộ các biện pháp này, mặc dù 62% người đồng ý rằng đó là một sự hạn chế về tự do cơ bản. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb khẳng định: "Mọi người đều nhận thấy chúng tôi cần một sự cân bằng công bằng giữa an ninh và tự do, và tôi tin rằng văn bản này đáp ứng nhu cầu này”. 

Được biết, trong 2 năm áp dụng tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp, 11 trung tâm tôn giáo đã bị đóng cửa vì "kích động các hành động khủng bố" và 41 cá nhân đã bị quản thúc tại gia vì chứa đựng sự đồng cảm cực đoan.

Phan Hiển
.
.
.