Dịch COVID-19 “cuốn trôi” nhiều triệu việc làm

Thứ Bảy, 11/04/2020, 07:45
Theo số liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đang gia tăng với tốc độ chóng mặt khi khoảng 17 triệu người Mỹ đã mất việc làm kể từ giữa tháng Ba. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính tới thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã khiến hơn 14 triệu người lao động tại khu vực Mỹ Latinh mất việc làm.


Từ nỗi lo thất nghiệp…

Hôm 9/4 (giờ địa phương), Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế “thật sự hiếm thấy” và tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng ở mức “báo động”, trong khi Oxford Economics dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong tháng Tư và 16% trong tháng Năm tới. 

Số liệu thất nghiệp nói trên cho thấy dịch COVID-19 sẽ làm lu mờ số việc làm bị cuốn trôi do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trước bối cảnh đó, Fed cam kết sẽ dùng các công cụ cho vay khẩn cấp của mình một khi cuộc khủng hoảng này còn chưa chấm dứt. 

Một cửa hàng tại New York, Mỹ đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX

Ngày 9/4, Fed đã ban hành một loạt chương trình cho vay mới nhằm “bơm” 2.300 tỷ USD vào nền kinh tế. Động thái mới nhất của Fed được đưa ra cùng thời điểm khi báo cáo hàng tuần mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy 6,6 triệu người đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, sau các con số 6,9 triệu người và 3,3 triệu người trong hai tuần trước đó. Đây là sự đảo chiều đáng kinh ngạc với nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi tỷ lệ thất nghiệp ở gần các mức thấp lịch sử trước khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Giới chuyên gia dự đoán dịch bệnh sẽ kéo dài nhiều tháng nữa và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức hai con số trong tháng Tư, trong khi Tổng thống Donald Trump lại đang xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin còn đưa ra một lộ trình cụ thể hơn khi cho biết các doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động trở lại vào tháng Năm. 

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp toàn cầu tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái. Thậm chí trong trường hợp khả quan nhất, IMF dự đoán nền kinh tế chỉ “phục hồi một phần” vào năm sau, nếu tình hình dịch bệnh hạ nhiệt và các hoạt động kinh tế được nối lại trong năm 2020.

Không chỉ riêng tại Mỹ, theo báo cáo hôm 9/4 của ILO, tính tới thời điểm hiện tại, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến hơn 14 triệu người lao động tại khu vực Mỹ Latinh mất việc làm. ILO nhấn mạnh lĩnh vực lao động phi chính thức (những người không có bảo hiểm lao động) bị tác động mạnh nhất. 

Thống kê cho thấy khu vực này có khoảng 140 triệu người lao động không chính thức và tỷ lệ người lao động không chính thức chiếm hơn 50% lực lượng lao động tại các quốc gia như: Colombia, Ecuador, Mexico và Peru. Báo cáo của ILO chỉ ra rằng tại Mỹ Latinh, đại dịch COVID-19 đã làm giảm 5,7% giờ làm việc và hơn 50% số người lao động trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu liên quan tới các ngành nghề sản xuất. Các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thương mại và dịch vụ, đặc biệt đối với các dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng, sản xuất và bán lẻ. 

Để thoát khỏi tình trạng nguy cấp mà khu vực phải đối mặt, Tổng Giám đốc ILO, Vinicius Pinheiro, khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần áp dụng các biện pháp bảo toàn công việc, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ thu nhập của người dân. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, do tác động xấu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kinh tế của khu vực trong năm 2020 sẽ tăng trưởng âm 1,8%-4%, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và số người nghèo sẽ tăng thêm 35 triệu người.

…tới cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cùng với khủng hoảng kinh tế diễn ra đồng thời, vấn đề an ninh lương thực là mối quan tâm chính của nhiều nước trên toàn thế giới. Lương thực thực phẩm là cấp độ đầu tiên trong Tháp nhu cầu của Maslow, do đó các quốc gia cần đảm bảo sự sẵn có cũng như khả năng tiếp cận liên tục đối với mặt hàng này. Sự gia tăng hoạt động thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp các quốc gia đáp ứng nhu cầu ăn uống đa dạng một cách hiệu quả hơn. 

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) ước tính, thương mại nông nghiệp toàn cầu tăng gấp 3 lần về giá trị, lên khoảng 1.600 tỷ USD trong giai đoạn năm 2000-2016.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với thương mại thế giới, bao gồm cả thực phẩm và nông sản. Sản xuất chậm lại, giao thông vận tải và hậu cần gặp khó khăn, các kênh phân phối bị cản trở khi biên giới bị đóng cửa. Các nước giờ đây cần có sự tính toán chiến lược rất kỹ để đảm bảo nguồn cung lương thực chính cho người dân, không chỉ nhằm vượt qua đại dịch mà còn kiểm soát lạm phát.

Với câu hỏi, liệu chúng ta có đủ thức ăn cho tất cả mọi người để vượt qua đại dịch COVID-19 hay không? Câu trả lời là có, nếu chúng ta làm việc cùng nhau. Theo báo cáo của FAO về nguồn cung-cầu ngũ cốc được phát hành vào tháng 3/2020, thị trường ngũ cốc toàn cầu trong năm 2019-2020 dự kiến sẽ duy trì ở trạng thái tốt. FAO cũng tuyên bố triển vọng tích cực đối với lúa và các cây trồng chủ lực khác trong năm 2020. 

Theo đó, an ninh lương thực sẽ không phải là vấn đề trong suốt năm 2020. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chắc chắn mang đến những vấn đề phức tạp khác đối với an ninh lương thực, liên quan đến vấn đề điều phối và thương mại toàn cầu. Trong tình huống hiện nay, mỗi quốc gia cần đánh giá dự trữ thực phẩm của chính mình. 

Các nước xuất khẩu nên tiếp tục duy trì xuất khẩu hàng hóa còn các nước nhập khẩu cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại bằng cách hạ thấp các rào cản thương mại. Điều này sẽ khuyến khích thương mại nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu tiếp tục, ngay cả với những thách thức hậu cần. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bổ sung sẽ cần thiết để đảm bảo sức khỏe người lao động nhưng không nên dừng hoạt động giao dịch.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.