Đàm phán liên minh thất bại, kỉ nguyên nắm quyền của bà Merkel sắp chấm dứt?

Thứ Hai, 20/11/2017, 14:23
Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh đã đổ vỡ, đẩy nền kinh tế mạnh nhất châu Âu vào khủng hoảng chính trị và có thể phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Reuters ngày 20-11 đưa tin lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã bỏ rơi tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh với đảng của bà Merkel CDU/CSU và đảng Xanh hôm 19-11. Với việc đàm phán thất bại, Đức có thể rơi vào khủng hoảng chính trị còn kỉ nguyên nắm quyền của bà Merkel có thể bị chấm dứt.

"Hôm nay, không có tiến triển, chỉ có thụt lùi", Christian Lindner, lãnh đạo FDP, trả lời báo giới khi tuyên bố rút khỏi đàm phán. “Chúng tôi thà không làm gì, còn hơn nắm quyền mà điều hành đất nước một cách tệ hại. Tạm biệt.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: ITN

Theo AP, cuộc đàm phán đổ bể do khác biệt giữa các đảng trên nhiều vấn đề then chốt, đặc biệt là chính sách người nhập cư. CDU/CSU muốn mở cửa đón thêm 200.000 người là thân nhân của người tị nạn hiện sống ở Đức, trong khi FDP kiên quyết phản đối.

Với diễn biến này, bà Merkel có thể thiết lập liên minh cầm quyền thiểu số với đảng Xanh hoặc tổ chức một cuộc bầu cử mới. Nếu lập liên minh thiểu số, Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu về việc này. Bà Merkel sẽ mất quyền làm thủ tướng nếu không giành đa số phiếu.

Trong trường hợp một liên minh thiểu số không được thông qua, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ phải kêu gọi một cuộc bầu cử khác vào đầu năm 2018 để thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, đương kim Thủ tướng Đức không thích phương án rủi ro cao. Bà khẳng định mình sẽ tiếp tục ở lại làm Thủ tướng và tư vấn cho Tổng thống Frank-Walter Steinmeier về phương hướng vượt qua nguy cơ của một cuộc khủng hoảng.

"Đây là một ngày phản ánh sâu sắc về việc làm thế nào để tiến lên ở Đức”, bà Merkel nói. "Là Thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng đất nước này được quản lý tốt trong những ngày khó khăn sắp tới."

Sau cuộc bầu cử vào tháng 9-2017, mặc dù đảng của bà Merkel giành nhiều ghế nhất trong quốc hội với 32,5% phiếu bầu, song uy tín của bà đã bị suy yếu vì nhiều cử tri quyết định bỏ phiếu cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì Đức (AFD). Nhiều cử tri bất bình vì bà đã mở cửa cho hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức trong năm 2015.

Ngay sau đó, lãnh đạo đảng đối lập lớn thứ nhì ở Đức SPD là ông Martin Schulz nói đảng này đã trở thành đảng đối lập và sẵn sàng cho một cuộc bầu cử mới.

Thiện Nhân
.
.
.