Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhóm họp cấp cao ứng phó với những thách thức toàn cầu

Thứ Hai, 23/09/2019, 09:35
Trong tuần này, các nhà lãnh đạo thế giới và đại diện ngoại giao 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ nhóm họp cấp cao ở New York, Mỹ trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 74.


Đây được xem là diễn đàn rộng mở để các nước bày tỏ quan điểm về những vấn đề quốc gia hệ trọng, cũng là cơ hội thảo luận về loạt điểm "nóng" trên thế giới, từ căng thẳng ở vùng Vịnh, tranh chấp Kashmir đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Reuters cho biết, các phiên làm việc của Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 74 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 30-9 (theo giờ Mỹ). Đây được xem là kỳ đại hội quy tụ đông đảo lãnh đạo thế giới nhất, với 143 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cho thấy chủ nghĩa đa phương vẫn đóng vai trò quan trọng trong điều phối các mối quan hệ quốc tế. 

Các đại biểu dự một phiên làm việc của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters

Trước các sự kiện thường xuyên của kỳ họp, vào ngày 23-9 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu theo sáng kiến của LHQ với sự góp mặt của lãnh đạo nhiều nước, cùng một hội nghị cấp cao về vấn đề y tế. 

Trong bối cảnh thế giới vừa hứng chịu những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu khiến vấn đề bảo vệ Trái đất được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu, hội nghị lần này sẽ giúp cộng đồng quốc tế tìm kiếm giải pháp hối thúc các bên có trách nhiệm hơn nữa trong thực thi những cam kết đã nêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. 

Trước thềm hội nghị, Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi lãnh đạo các nước phải có trách nhiệm với thế hệ sau. 

"Biến đổi khí hậu có nguy cơ trở thành thảm kịch đối với xã hội chúng ta. Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu mọi thứ cứ tiếp diễn và thế hệ trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Tôi có cháu và tôi không muốn chúng sống trong một hành tinh đã bị phá hủy một nửa khi chúng bằng tuổi tôi. Tôi hi vọng các nhà lãnh đạo sẽ có tác lớn đến xã hội nói chung và cá nhân từng người dân nói riêng", ông Guterres nói.

Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Iran leo thang và việc Mỹ-Triều Tiên không đạt nhiều tiến bộ đàm phán, thế giới tỏ rõ mối quan tâm tới bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến phát đi ngày 24-9. 

Năm nay, ngoài những nội dung đề cập đến sự phát triển của Mỹ dưới thời ông lãnh đạo, Tổng thống Trump được cho là sẽ tiếp tục khẳng định sức mạnh ngoại giao chưa từng có của Washington với Bình Nhưỡng và công kích Iran, nhất là sau những diễn biến khó lường gần đây ở thực địa vùng Vịnh và vụ các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi bị tấn công phá hoại. 

Theo Foreign Policy, ông Trump có thể sẽ đề cập đến cả mối lo trước việc các cuộc đàm phán với phiến quân Taliban ở Afghanistan đổ vỡ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người vừa nhận được thị thực tới Mỹ cách đây hai hôm, dự kiến có bài phát biểu vào ngày 25-9 để đáp trả lại những chỉ trích của người đồng cấp Mỹ Trump và nêu rõ quan điểm của nước này về căng thẳng ở Trung Đông. Tehran gần đây khẳng định họ sẽ không khuất phục trước áp lực của Washington và sẵn sàng cho mọi kịch bản để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. 

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Rouhani cũng sẽ đề cập đến chiến lược của Iran liên quan đến Thoả thuận hạt nhân 2015, vốn đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện sau sự rút đi của Mỹ hồi năm ngoái. Trong khi đó, Triều Tiên năm nay không cử đại diện cấp Ngoại trưởng tham gia cuộc họp, cho thấy sẽ không có diễn biến mới nào trong vấn đề đàm phán phi hạt nhân được thông báo.

Với cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vùng lãnh thổ Kasmir, các con mắt cũng đổ dồn vào Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Iram Khan, dự kiến phát biểu ngày 27-9. 

Truyền thông Ấn Độ tiết lộ, thông điệp đầu tiên tại một kỳ họp Đại hội đồng LHQ sau 4 năm của ông Modi sẽ nêu rõ quan điểm và niềm mong mỏi của hơn một tỷ người dân ở nước này, trong khi nhà lãnh đạo Pakistan Iram Khan cho biết sẽ bảo vệ vấn đề Kasmir đến cùng.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ cũng là cơ hội để Thủ tướng Anh Boris Johnson thuyết phục lãnh đạo châu Âu tiến tới một thỏa thuận trước hạn chót rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10. 

Thủ tướng Johnson sẽ có các cuộc thảo luận lần lượt với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. 

Một số nguồn tin từ chính quyền Anh cho biết ông Johnson sẽ đưa ra đề xuất thay thế "điều khoản chốt chặn" liên quan đến đường biên giới giữa Cộng hoà Ireland và Bắc Ireland (thuộc Anh) trong thỏa thuận Brexit, vốn là yếu tố "ngáng đường" hai bên đạt thoả thuận suốt nhiều tháng qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay không tham dự cuộc họp, song với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ chủ trì hai phiên họp và có thể chính thức công bố kế hoạch an ninh mới cho Trung Đông, do Nga soạn thảo, để làm dịu bớt các căng thẳng hiện nay. 

Hồi tháng 8, Nga từng đưa một số nội dung nổi bật trong kế hoạch này ra đàm phán tại Hội đồng Bảo an, được Moscow mô tả là sẽ củng cố các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong khu vực; tạo điều kiện để các bên thực hiện mong muốn đập tan hang ổ của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố; đề cao vai trò sự đoàn kết, hợp nhất trong một liên minh chống khủng bố duy nhất.

Ngoài các vấn đề nêu trên, trong 6 hội nghị cấp cao và 360 phiên họp, lãnh đạo các nước sẽ thảo luận nhiều điểm nóng khác của thế giới như vấn đề kiểm soát vũ khí, thúc đẩy hợp tác đa phương và phát huy vai trò của LHQ. 

Hôm 17-9, phát biểu khai mạc kỳ họp toàn thể Khóa 74 của Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande kêu gọi các nước hành động phù hợp với ưu tiên của khóa họp lần này là thúc đẩy hòa bình, an ninh và ngăn chặn xung đột; tăng cường hợp tác để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là xóa đói giảm nghèo, giáo dục chất lượng và hành động về biến đổi khí hậu. 

Ông Tijjani Muhammad-Bande nêu rõ, kỳ họp lần này là cơ hội để các nước củng cố hợp tác toàn cầu, đẩy lùi thách thức và tìm kiếm cơ hội thu hẹp bất đồng. Trong khi đó, Tổng thư ký Antonio Guterres thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thuyết phục người dân thấy rõ LHQ có liên quan tới tất cả mọi người và nhận thức được rằng, chủ nghĩa đa phương sẽ mang lại các giải pháp thực tế để đối phó với các thách thức toàn cầu. 

"Đại hội đồng là diễn đàn duy nhất và không thể thay thế, là nơi cả thế giới cùng tập trung thảo luận về các vấn đề nhạy cảm và quan trọng. Thế giới cần các thể chế đa phương hiệu quả và các mối quan hệ quốc tế cần dựa trên luật pháp quốc tế", ông Antonio Guterres nói: "Thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo đang đối mặt là khiến cả thế giới hiểu chúng ta quan tâm, muốn vận dụng mọi cơ hội để ứng phó với những vấn đề quốc tế nổi lên. Tuần lễ cấp cao sắp diễn ra được sinh ra để làm việc đó".

Thiện Minh
.
.
.