Cuộc “đảo chính tại Quốc hội” làm Mỹ Latinh dậy sóng

Thứ Sáu, 02/09/2016, 07:55
Tối 31-8 (giờ địa phương), với số phiếu tán thành áp đảo là 61 so với 20 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã chính thức bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff trong phiên tòa chính trị xét xử người đứng đầu nhà nước Nam Mỹ này. Việc này đã gây ra một làn sóng giận dữ trong nhiều chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh.

Trong phản ứng đầu tiên ngay sau khi kết quả trên được công bố, Bộ Ngoại giao Venezuela đã chỉ trích việc phế truất bà Rousseff, xem đây như là một “cuộc đảo chính tại Quốc hội”. Bộ Ngoại giao Venezuela nêu rõ nước này “đã quyết định dứt khoát rút đại sứ của mình tại Cộng hòa Liên bang Brazil và đóng băng các mối quan hệ chính trị, ngoại giao với chính phủ vốn được hình thành từ “cuộc đảo chính tại Quốc hội”. 

Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định sẽ rút đại biện lâm thời nước này ở Brasilia để phản đối quyết định của Thượng viện Brazil và bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bolivia đã tham vấn Đại sứ nước này tại Brazil và kêu gọi các nước Mỹ Latinh phản đối hành động “đảo chính mềm”, gây nguy hiểm cho nền dân chủ. 

Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố luôn sát cánh với bà Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva của đảng Lao động (PT) trong thời khắc khó khăn. 

Tại Uruguay, nghị sĩ Daniel Caggiani, Phó Chủ tịch Nghị viện Khối thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur), thành viên đảng Mặt trận mở rộng cầm quyền, khẳng định nền dân chủ của Brazil đã bị hủy hoại. 

Cuba thì gọi việc phế truất bà Rousseff là đòn tấn công của “chủ nghĩa đế quốc chống lại các chính phủ tiến bộ của Mỹ Latinh”. 

Từ Argentina, thông qua mạng xã hội Twitter, cựu Tổng thống nước này Cristina Fernández bày tỏ: “Một lần nữa, Nam Mỹ lại trở thành phòng thí nghiệm của phe cánh hữu cực đoan… Trái tim của chúng tôi luôn bên cạnh người dân Brazil, bà Dilma, ông Lula và các đồng chí của PT”.

Những người ủng hộ bà Rousseff đang theo dõi phiên bỏ phiếu của Thượng viện. Ảnh: NBC.

Trong khi đó tại Brazil, không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, quyết định bãi nhiệm bà Rousseff đã làm dấy lên làn sóng phản đối rộng rãi trong dân chúng Brazil, cũng như châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở nước này. 

Tại San Paolo, hàng chục nghìn người tổ chức biểu tình phản đối việc luận tội dẫn đến phế truất bà Rousseff đã đụng độ dữ dội với cảnh sát vũ trang tại khu vực trung tâm thành phố. Một số người biểu tình trên đại lộ Paulista đã đốt các thùng rác và rào chắn để phong tỏa các lối đi. 

Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích. Đáp lại, đám đông cuồng nộ đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá và trái nổ tự chế. 

Trước đó, hôm 29-8, khoảng 2.000 người ở Brasillia và hàng trăm người ở Rio de Janeiro đã tuần hành trong hòa bình kêu gọi đưa bà Rousseff trở lại cương vị tổng thống. 

Về phía bà Rousseff, phát biểu bên ngoài dinh Tổng thống cùng đám đông người ủng hộ, bà khẳng định mình vô tội và nói việc bãi nhiệm bà là một “cuộc đảo chính trong Quốc hội” có sự hỗ trợ của một số người có ảnh hưởng về kinh tế: “Họ (các Thượng nghị sĩ - PV) đã quyết định chấm dứt quyền hạn của tổng thống, người đã không phạm bất cứ tội gì. Họ đã kết tội một người vô tội để thực hiện một cuộc đảo chính nghị trường”. 

Bà đồng thời khẳng định, tại thời điểm này, “tôi sẽ không nói lời tạm biệt các bạn bởi tôi chắc chắn mình sẽ còn trở lại”. Bà Rousseff nhấn mạnh sẽ cùng với những người ủng hộ tiếp tục các hoạt động chính trị và phát triển đường lối “về một đất nước Brazil do người dân làm chủ”.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Brazil, ông Michel Temer, Phó Tổng thống điều hành đất nước từ khi bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ hồi tháng 5-2016 đến nay đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, chính thức đảm nhận vị trí Tổng thống Brazil đến hết năm 2018. 

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Tổng thống Brazil trên sóng truyền hình quốc gia, ông Temer mô tả việc loại bỏ bà Rousseff giống như việc mở ra một con đường dẫn đến những đổi thay lớn ở Brazil, đồng thời kêu gọi toàn dân đoàn kết vực dậy nền kinh tế trì trệ hiện nay với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 11%. 

“Khoảnh khắc này là một trong những niềm hy vọng và khôi phục lòng tin ở Brazil. Sự bất ổn chắc chắn đã kết thúc”, ông Temer nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, thế giới cần nhìn thấy Brazil là 1 quốc gia ổn định về chính trị và pháp luật. 

Vị tân Tổng thống tỏ ra vô cùng quan ngại về tình hình kinh tế đất nước suy thoái trầm trọng, con số thất nghiệp lên đến 12 triệu người, ngân sách bị thâm thủng nặng, các loại tội phạm gia tăng mạnh. 

Về đối ngoại, ông Temer cam kết sẽ tăng cường quan hệ với các cường quốc hàng đầu để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài. 

Ông cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thượng Hải, ông sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới để xúc tiến quan hệ hợp tác.

Khổng Hà
.
.
.