Cuba và EU phản đối các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ

Chủ Nhật, 01/12/2019, 08:58
Ngày 29-11 (giờ địa phương), tại Thủ đô La Habana, Cuba và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành vòng 2 Đối thoại về các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ chống lại quốc đảo Caribe. Đây là cuộc họp nối tiếp cho vòng Đối thoại lần thứ nhất được tiến hành tại Brussels, Bỉ hồi tháng 11-2018 theo Điều 10 của Hiệp định Đối thoại Chính trị và Hợp tác được ký kết giữa Cuba và EU.


Tại Đối thoại, hai bên đã cùng bác bỏ tính chất ngoài lãnh thổ của các điều luật mà Washington áp dụng nhằm thắt chặt cuộc bao vây, cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại đối với Cuba kéo dài gần 6 thập niên qua.

Trong một tuyên bố, Vụ trưởng Vụ các vấn đề đa phương và Luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, Rodolfo Reyes, người dẫn đầu phái đoàn Cuba tại cuộc họp nhấn mạnh, việc hai bên nhất trí bác bỏ các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Cuba, nhất là trong thời gian gần đây, Mỹ tăng cường trở lại các biện pháp thù địch đối với Cuba.

Ông Rodolfo Reyes cũng viện dẫn lại quyết định gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt toàn phần Điều III của Luật Helms - Burton, được Quốc hội Mỹ ban hành năm 1996. Vụ trưởng Rodolfo Reyes đánh giá cao và có ý nghĩa việc EU bảo vệ lợi ích của những quốc gia thành viên và các doanh nghiệp của mình trước quyết định kích hoạt toàn phần Điều III Luật Helms-Burton từ phía Washington.

Đối thoại về các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ chống lại Cuba diễn ra hôm 29-11 tại Thủ đô La Habana.

Về phần mình, Trưởng phái đoàn EU, bà Katja Afheldt, người đứng đầu bộ phận Dịch vụ và Hành động đối ngoại cho Mexico, Trung Mỹ và Caribe, cũng chỉ trích những tác động tiêu cực mà lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đem lại đối với mối quan hệ kinh tế giữa khối 28 nước châu Âu và Cuba, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của khối này trong việc dỡ bỏ chính sách thù địch phi lý trên.

Liên quan đến việc áp dụng hoàn toàn Điều III Luật Helms-Burton của Mỹ, đại diện châu Âu tố cáo biện pháp bất hợp pháp này gây tổn hại tới những lợi ích thương mại hợp pháp của các nước thành viên EU với Cuba. Ngoài ra, biện pháp này không chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế, mà còn gây ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp dịch vụ y tế tại đảo quốc Caribe này.

Cùng ngày, Quốc hội Cuba đã ra tuyên bố phản đối nghị quyết có tính “can thiệp và gây tổn hại chủ quyền” mà Nghị viện châu Âu (EP) mới thông qua trước đó 1 ngày liên quan tới đến công dân Cuba Jose Daniel Ferrer, nhân vật phản cách mạng với sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ mới bị chính quyền Cuba bắt giữ hôm 1-10. Theo tuyên bố do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Cuba công bố, nghị quyết của EP là không thể chấp nhận được và thể hiện một sự “thiếu hiểu biết hoàn toàn về tình hình thực tế” tại Cuba.

Quốc hội Cuba lấy làm tiếc vì văn bản do EP thông qua lại là sự “đồng tình” với chiến dịch vu khống mới mà chính quyền Mỹ đang tiến hành trong chính sách thù địch chống lại đảo quốc Caribe. Tuyên bố của cơ quan lập pháp Cuba bày tỏ quan ngại trước những động cơ chính trị của một nhóm các nghị sỹ chính trị cánh hữu châu Âu, những nhân vật “hùa” theo đường lối Mỹ với chính sách gây hấn chống lại Cuba, đi ngược lại tinh thần đối thoại tôn trọng trong mối quan hệ giữa Cuba và EU.

Quốc hội Cuba khẳng định Mỹ tài trợ các hoạt động phá hoại trật tự hiến pháp hiện hành tại Cuba, âm mưu tuyển mộ những tên tay sai bản địa trong bối cảnh thiếu sự ủng hộ hợp pháp cho những mục đích thống trị của mình.

Trong trường hợp này là nhân vật phản cách mạng Jose Daniel Ferrer, người có hồ sơ phạm tội đã được nhà chức trách Cuba chứng minh. Cơ quan lập pháp Cuba bên cạnh đó cũng nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục duy trì quan hệ với EP và trao đổi với các thành viên nghị viện trên cơ sở thừa nhận sự khác biệt cũng như tôn trọng độc lập và chủ quyền Cuba, theo các nguyên tắc của Luật quốc tế.

Tuyên bố của Quốc hội Cuba nhằm phản bác lại một nghị quyết do EP thông qua ngày 28-11, trong đó đề nghị nhà chức trách Cuba trả tự do nhân vật phản cách mạng Jose Daniel Ferrer, đồng thời bày tỏ quan ngại trước “những sự đàn áp liên tiếp, quấy rối và tấn công các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, các phóng viên độc lập, các nhà bảo vệ nhân quyền và đối lập chính trị...”.

Hôm 26-11, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã lên tiếng cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, ông Bruno Rodriguez tố cáo người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo chỉ thị cho Đại sứ quán nước này tại La Habana “can thiệp các vấn đề nội bộ” của nước sở tại, hành động mà một quốc gia có chủ quyền sẽ không cho phép. Ông cho rằng, những hành động của đại diện ngoại giao Mỹ tại Cuba là vi phạm pháp luật Cuba, vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, cũng như thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Những tuyên bố trên được đưa ngay sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Tập đoàn Panamericana của Cuba. Cụ thể, trong thông cáo ngày 26-11, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Tập đoàn Panamericana bị đưa vào Danh sách Quốc gia được chỉ định đặc biệt (SDN) của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc bộ này, do có các hoạt động liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela.

Theo lệnh trừng phạt này, Mỹ sẽ cấm toàn bộ các giao dịch tài chính của công dân Mỹ đối với Panamericana và đóng băng mọi tài sản và lợi ích của tập đoàn này trên lãnh thổ Mỹ. Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, biện pháp này nhằm trừng phạt Cuba do có “vai trò trực tiếp trong việc ngăn chặn sự khôi phục nền dân chủ Venezuela”.

Khổng Hà(tổng hợp)
.
.
.