Cộng đồng quốc tế đồng thuận cứu vãn JCPOA

Thứ Ba, 29/05/2018, 10:39
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 27-5 (giờ địa phương) khẳng định, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran, ngoại trừ Israel và một số nước Arab ủng hộ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cộng đồng quốc tế cũng đồng thuận trong việc cứu vãn JCPOA.


Một trong những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và các cường quốc châu Âu bên lề Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 được tổ chức từ ngày 9 – 10-6 tại thành phố duyên hải Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.

Dù vấn đề hạt nhân không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị thượng đỉnh nhưng các nước ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 trừ Mỹ, sẽ thảo luận về nội dung này để tìm giải pháp ứng phó khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần nhấn mạnh việc duy trì thỏa thuận là vì lợi ích của hòa bình và an ninh thế giới. Trung Quốc dự định sẽ tiếp tục hợp tác với Iran bất chấp động thái của Mỹ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy mạnh các hoạt động ở Iran để lấp đầy khoảng trống còn lại bởi sự rút lui của các công ty của Mỹ và châu Âu khi các biện pháp trừng phạt được thực thi. 

Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU sẽ xem xét các chính sách đối với Iran và JCPOA trong cuộc họp tại Brussels - Bỉ. Đây là cuộc họp thứ hai của các bộ trưởng ngoại giao của EU sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 8-5.

Tại cuộc gặp do EU chủ trì diễn ra hôm 25-5 tại Thủ đô Vienna của Austria, các quan chức Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga phối hợp với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tìm chiến lược mới nhằm cứu vãn thỏa thuận trên bằng việc duy trì dòng đầu tư và các hợp đồng mua bán dầu mỏ bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Về phần mình, Iran muốn tìm kiếm các bảo đảm từ phía châu Âu rằng họ có thể bảo vệ các hợp đồng thương mại, đồng thời muốn được đảm bảo rằng các bên liên quan sẽ tiếp tục mua dầu của Iran. Ngoại trưởng Mohammed Javad Zarif trước đó đã bày tỏ hy vọng các nước còn lại sẽ đưa ra “một gói mới” trong khuôn khổ thỏa thuận đã đạt được mà không đưa thêm vào “bất cứ vấn đề nào khác”.

Một quan chức Iran cho biết: “Đây là một cuộc gặp rất quan trọng, cho thấy các bên liên quan có nghiêm túc với thỏa thuận hay không”. Trước thềm cuộc gặp trên, Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei đã nêu ra các điều kiện để Tehran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, trong đó có điều kiện các ngân hàng châu Âu phải bảo đảm giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Ngay sau cuộc gặp này, Thứ trưởng Araghchi cho biết các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn với những bên ký kết còn lại “để xem liệu họ có thể cung cấp cho chúng tôi một gói lợi ích nếu Mỹ tăng cường trừng phạt hay không”.

Các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục trong vài tuần với, đặc biệt ở cấp độ chuyên gia, sau đó Iran mới quyết định có ở lại JCPOA hay không. Thứ trưởng Iran nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu châu Âu, Nga và Trung Quốc đều nghiêm túc và họ đều thừa nhận rằng sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân phụ thuộc vào việc những lợi ích của Iran được tôn trọng”.

Iran hiện đang yêu cầu “các giải pháp thiết thực” để giải quyết những lo ngại của quốc gia này đối với việc xuất khẩu dầu mỏ, lưu thông ngân hàng và đầu tư nước ngoài. “Bước tiếp theo là tìm cách đảm bảo gói lợi ích”, ông Araghchi cho hay. Trong khi đó, một quan chức cấp cao EU cho biết, sau cuộc họp, khối không thể “đưa ra những đảm bảo nhưng có thể tạo điều kiện cần thiết để Iran duy trì lợi ích theo thỏa thuận hạt nhân đã ký kết, bảo vệ lợi ích của chính chúng tôi và tiếp tục phát triển kinh doanh hợp pháp với Iran”.

“Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm thiểu hậu quả từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận”, vị quan chức trên nói và cảnh báo có những thứ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Đại diện Nga Mikhail Ulyanov tỏ ra lạc quan khi tuyên bố các bên có mọi cơ hội để thành công, miễn là duy trì ý chí chính trị. “Tôi phải nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một tài sản quốc tế lớn, nó không thuộc về Mỹ mà thuộc về toàn bộ cộng đồng quốc tế”, ông nhấn mạnh.

Liên quan tới tuyên bố hôm 21-5 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Washington sẽ gia tăng áp lực tài chính đối với Tehran bằng “những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử” nếu Iran không thay đổi các chính sách của nước này.

Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho rằng, những chiến lược mới đó sẽ khiến Mỹ bị cô lập nhiều hơn trong cộng đồng quốc tế. Tổng thống Hassan Rouhani cũng đã chỉ trích những yêu sách mới của Mỹ với Iran là “không thể chấp nhận”, việc làm này lặp lại những chiến thuật “vô ích” mà Washington từng áp dụng trong quá khứ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.