Chuyến thăm mang nhiều hàm ý

Thứ Bảy, 22/06/2019, 09:10
Ngày 21-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Thủ đô Bình Nhưỡng, sau khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày tới CHDCND Triều Tiên theo lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chuyến thăm này có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ hai nước cũng như tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Trong cuộc hội đàm ngày 20-6, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí củng cố quan hệ song phương vì hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên đánh giá, điều này phù hợp với các lợi ích chung của hai nước, cũng như mang lại lợi ích cho việc phát triển hòa bình và ổn định của khu vực. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng.

Liên quan vấn đề hạt nhân, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, cộng đồng quốc tế hy vọng Mỹ và Triều Tiên có thể bắt đầu lại một cuộc đối thoại hiệu quả. Theo ông, tình hình trên bán đảo Triều Tiên “gây quan ngại cho hòa bình và an ninh của khu vực”, tuy nhiên “trong năm qua, vấn đề bán đảo đã chứng kiến những viễn cảnh tươi sáng thông qua đối thoại, giành được sự công nhận và mong đợi của cộng đồng quốc tế”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh về “giải pháp chính trị” cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng giúp giải quyết lo ngại về an ninh của Bình Nhưỡng, cũng như cam kết đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình là “cơ hội quan trọng” để hai nước tự hào về tình hữu nghị lâu đời và “không thể thay đổi” với thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.  Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông cho biết, Triều Tiên đã thực hiện “nhiều biện pháp tích cực” trong năm qua, song vẫn không nhận được “một sự hồi đáp thiết thực từ bên liên quan”. Mặc dù vậy, ông “vẫn kiên nhẫn” và “hy vọng nước liên quan sẽ đối thoại trực tiếp với Triều Tiên và giải quyết các vấn đề quan tâm của nhau để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc đến thăm Triều Tiên sau 14 năm. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của lãnh đạo Trung - Triều, kể từ tháng 3-2018. Việc lựa chọn đúng dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao để tổ chức chuyến thăm cho thấy, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh với Bình Nhưỡng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống gần gũi đã tồn tại suốt 7 thập niên giữa hai nước.

Trong những năm gần đây, hai nước đã tích cực hợp tác để cải thiện quan hệ song phương, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên liên quan các hoạt động hạt nhân của nước này. Chuyến thăm còn thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, và quan trọng hơn, phát đi thông điệp rằng, Bắc Kinh vẫn là đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng.

Ngay trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Triều Tiên nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hiện đang đình trệ giữa Bình Nhưỡng và Washington. Đây được xem là một động thái công khai nữa minh chứng cho mối quan hệ song phương thân thiện và gần gũi của hai quốc gia.

Bên cạnh đó, chuyến đi Triều Tiên là một phần chiến lược tăng cường ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, qua đó Bắc Kinh muốn khẳng định rằng, vai trò của Trung Quốc không thể bị bỏ qua, cho dù là ở Đông Bắc Á hay sự kiện đa quốc gia như G20.

Với tư cách là cường quốc ở Đông Bắc Á, Trung Quốc đã là một bên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đương nhiên Bắc Kinh không muốn bị “gạt ra bên lề” trong tiến trình giải quyết vấn đề này. Năm 2017, khi mâu thuẫn Mỹ-Triều leo thang tột độ, Trung Quốc cùng với Nga đã đề xuất cơ chế “cùng dừng” để hạ nhiệt căng thẳng, đó là Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân - tên lửa, trong khi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên.

Do đó, các nhà phân tích Trung Quốc lạc quan nhận định rằng, chuyến thăm này có thể giúp nối lại đàm phán phi hạt nhân giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đặc biệt, kế hoạch chuyến thăm được công khai ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nhận được một bức thư rất “tuyệt vời” và “ấm áp” từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố dường như ngụ ý về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cũng muốn chuyển một thông điệp tới Mỹ về “vai trò không thể thiếu” của Bắc Kinh trong các vấn đề ở Đông Bắc Á, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Xét cho cùng, Trung Quốc và Mỹ có những mục tiêu tương đối nhất quán đối với quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bởi bất ổn và căng thẳng tại khu vực này không có lợi cho cả hai bên.

Hiện vẫn còn không gian để Trung Quốc và Mỹ hợp tác nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo, cho dù hai bên vẫn còn những khác biệt trong việc thực thi phi hạt nhân hóa và trong việc phán đoán tình hình ở Đông Bắc Á. Nếu Trung Quốc phát huy được vai trò cũng như ảnh hưởng đặc thù của mình trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, điều này sẽ giúp gia tăng hiểu biết chiến lược giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung, đồng thời chứng tỏ Bắc Kinh là đối tác quan trọng của Washington trong việc giải quyết vấn đề an ninh khu vực.

Đối với Bình Nhưỡng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ là một dấu mốc nữa trong hoạt động ngoại giao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau chuyến thăm của ông tới Nga và gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Từ khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cụ thể, nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh chủ chốt như Nga hay Trung Quốc trong các vấn đề phi hạt nhân hóa.

Quan điểm mà Trung Quốc thể hiện trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên tỏ ra phù hợp với lợi ích của Bình Nhưỡng. Hơn thế nữa, xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ giúp Triều Tiên duy trì được thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các quốc gia láng giềng Đông Bắc Á vốn là đồng minh chủ chốt của Mỹ, như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Đặc biệt, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất, chiếm 90% ngoại thương của Triều Tiên, và cũng là nguồn viện trợ trực tiếp hàng đầu của Bình Nhưỡng.

Có thể nói, trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên tạo điều kiện để hai nước tiến hành trao đổi chiến lược hữu hiệu hơn, phối hợp điều phối hành động trong những vấn đề hạt nhân chung lợi ích. Cho dù tính toán của hai bên không hoàn toàn giống nhau, song cuộc gặp cấp cao Trung – Triều lần này có thể tạo lực đẩy để các bên liên quan trên bàn đàm phán hạt nhân tìm cách thoát khỏi tình thế bế tắc hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.