Phó Tổng thống Mỹ và chuyến công du trấn an đồng minh không thành

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:52
Để trấn an và xoa dịu các đồng minh ở châu Âu sau những tuyên bố gây bất an cho “lục địa già” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua, Phó Tổng thống nước này Mike Pence đã thực hiện chuyến công du châu Âu hồi tuần qua, mang theo thông điệp “Mỹ giữ cam kết lâu dài và bền vững đối với châu Âu”.


Theo đó, nước Mỹ sẽ sát cánh cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) như trong quá khứ. Tuy vậy, giới lãnh đạo châu Âu đã không quá vồ vập đón nhận thông điệp này, thay vào đó là một thái độ cẩn trọng.

Với bài phát biểu được cho là thể hiện quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ đối với các đồng minh trong EU và NATO, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã khiến một số đối tác lâu năm của Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi khẳng định “chính sách ngoại giao của Mỹ cơ bản không thay đổi” và sẽ tiếp tục mối liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ quan điểm duy trì và thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và NATO, cho rằng NATO luôn có vị trí trong lợi ích của Mỹ và chỉ có hợp tác cùng nhau mới giúp tăng cường sức mạnh của nhau. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewwicz nhận định rằng, Mỹ vẫn không thay đổi chính sách đối với NATO và không có lí do gì để không tin vào người Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh rằng, sau những tuyên bố tích cực (của phía Mỹ) như vậy, cả châu Âu và Mỹ phải thực hiện những gì mình đã nói. 

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì chỉ ra rằng, sự ổn định toàn cầu phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Mỹ và EU, đồng thời khẳng định, Mỹ cần có một EU mạnh mẽ và thống nhất trong tất cả các vấn đề. “Chúng tôi sẽ giải quyết tất cả các vấn đề chung giữa hai bên. Tôi cho rằng giờ không phải lúc để chia rẽ Mỹ và EU. Hai bên đã là đối tác trong nhiều thâp  kỉ qua”, ông Juncker nói.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ ra nghi ngờ với “lời hứa” của Mỹ. Sự nghi ngờ này cũng dễ hiểu vì trước đó, ông Trump từng nhiều lần đưa ra tuyên bố “gây sốc” khi phê phán năng lực của EU, ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi EU), cảnh báo Mỹ cắt giảm đóng góp tài chính cho Liên hợp quốc và thể hiện sự nghi ngờ về vai trò của NATO khi chỉ trích đây là một tổ chức “già cỗi, lạc hậu”. 

Tổng thống Pháp Francois Hollande thẳng thừng tuyên bố: “Không thể nào chấp nhận được việc Tổng thống Mỹ lại đưa ra một loạt tuyên bố gây áp lực với EU về những vấn đề khối này phải làm và không phải làm”. 

Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và hiện là ứng cử viên tranh cử chức Thủ tướng Đức, Martin Schulz cũng cáo buộc Tổng thống Trump đang thách thức “an ninh của thế giới phương Tây” và “bắt đầu cuộc chiến tranh văn hóa”. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã gọi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là một trong những “hiểm họa khó lường” đối với EU.

Rõ ràng, giới chức EU đang bị “phân cực” trước lời cam kết của Mỹ. Điều này càng phản ánh rõ, mặc dù thông điệp mà ông Pence mang theo là rất tích cực, nhưng chưa đủ để xóa bỏ tâm lý bất an của các nhà lãnh đạo EU. Cũng đúng, vì đó là những cam kết không dễ thực hiện. Cam kết về một châu Âu thống nhất nhưng ông Trump lại ca ngợi “kết quả đúng đắn” của cuộc bỏ phiếu về vấn đề Brexit. 

Khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với NATO, nhưng không quên nhắc nhở các thành viên trong khối phải đóng góp phần ngân sách thỏa đáng. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump tỏ ra cứng rắn, nhất quyết không đứng ra “bảo hộ” an ninh cho các đồng minh như đã từng làm trong suốt bảy thập niên qua. 

Về mối quan hệ với Nga, một trong những chủ đề mà EU và NATO quan tâm nhất, ông Pence đã thẳng thừng chỉ trích, yêu cầu Moscow phải chịu trách nhiệm về vấn đề Ukraine, nhưng điều này chưa khiến các đồng minh của Mỹ cảm thấy hài lòng. Vì, thực tế cho thấy, bấy lâu nay, ông Trump không ngừng nỗ lực tìm kiếm “tiếng nói chung” với Nga. 

Sự “lệch pha” giữa Mỹ và EU cũng xuất hiện trong nhiều vấn đề như chính sách thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran hay giải quyết khủng hoảng nhập cư. Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ tạm cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đang làm EU lo ngại bởi nếu Mỹ cấm, chắc chắn làn sóng nhập cư sẽ dồn vào châu Âu.

Tựu trung lại, vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt không dễ vượt qua giữa Mỹ và EU. Với ông Donald Trump, người được cho là có tư tưởng khó đoán và một EU trung thành với đường lối truyền thống của mình, sẽ không dễ dàng tìm được tiếng nói chung.

Khổng Hà
.
.
.