Chưa tháo gỡ được bất đồng, APEC 2018 không thể ra Tuyên bố chung

Thứ Hai, 19/11/2018, 09:08
Ngày 18-11, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước vào ngày họp thứ 2 và cũng là ngày họp cuối cùng tại Thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. 

Trong ngày họp này, các nhà lãnh đạo thảo luận về các cách thức nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị APEC không thể ra Tuyên bố chung.

Phát biểu tại phiên họp họp ngày thứ 2, Thủ tướng nước chủ nhà Peter O'Neill khẳng định, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức và hợp tác cùng nhau là giải pháp để vượt qua những thách thức này. 

Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của quý vị tại Hội nghị cấp cao lần này. Điều này không chỉ mang lại hi vọng cho người dân Papua New Guinea mà còn hi vọng cho cộng đồng toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á Thái Bình Dương. Để làm được điều này thì chúng ta cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước, các nền kinh tế. Thách thức đang ở phía trước và chúng ta có thể giải quyết nếu hợp tác cùng nhau”. 

APEC 2018 ở Papua New Guinea. Ảnh: YouTube

Lời kêu gọi của Thủ tướng nước chủ nhà được đưa ra khi Hội nghị bị phủ bóng bởi hàng loạt vấn đề căng thẳng, trong đó nổi bật là màn tranh cãi kịch liệt của Trung Quốc với Mỹ về chính sách thương mại.

Phát biểu trong phiên họp ngày thứ nhất, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Cố gắng xây dựng các rào cản và cắt đứt những mối quan hệ kinh tế gần gũi là đi ngược lại các quy luật và xu hướng kinh tế trong lịch sử. Đây là một cách tiếp cận với cái nhìn ngắn hạn và cầm chắc thất bại”.

Kêu gọi các nước nói không với chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương, Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ, thế giới nên duy trì hệ thống thương mại đa phương mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là trung tâm, giúp quá trình toàn cầu hóa kinh tế trở nên mở cửa hơn, giúp nhiều người tham gia được hơn và tạo thế cân bằng, có lợi ích cho tất cả các bên. 

Đề cập tới những quan ngại xung quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh lịch sử cho thấy sự đối đầu, dù dưới hình thức một cuộc chiến tranh lạnh, hay chiến tranh thương mại, cũng sẽ không có bên nào giành chiến thắng. 

Ông nhấn mạnh vai trò của tham vấn và đối thoại trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước, miễn là các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần “bình đẳng” và “thấu hiểu lẫn nhau”.

Chia sẻ quan điểm này, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng cảnh báo các cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào và phải được giải quyết thông qua đàm phán thay vì việc áp thuế trả đũa lẫn nhau. 

Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh thế giới đang đối mặt chiều hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự biến động của thị trường tài chính. Ông cho rằng, việc vội vã dựng lên các rào cản bảo hộ không phải là một giải pháp. 

Theo Thủ tướng Australia, chủ nghĩa bảo hộ “ăn miếng, trả miếng” cùng những mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại không nằm trong lợi ích kinh tế của bất cứ nước nào, thay vào đó sẽ làm suy yếu sức mạnh của các quy tắc thương mại trong khu vực và trên toàn cầu vốn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và kêu gọi các quy định thương mại minh bạch. 

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần đánh giá lại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì tiến trình này đang bỏ nhiều nền kinh tế lại phía sau, trong khi lại thúc đẩy sự bất bình đẳng. Ông kêu gọi thiết lập một sân chơi bình đẳng hơn về thương mại giữa các quốc gia giàu có và các nước đang phát triển.

Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh: “Các lợi ích của thương mại tự do và công bằng cùng hội nhập kinh tế đã bị phá vỡ, với những minh chứng từ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và các cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân rã trong thương mại và mậu dịch của chúng ta”.

Về phía Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence đáp lại rằng, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động. Theo một nhà ngoại giao tham gia vào đàm phán Tuyên bố APEC, thương mại là một vấn đề căng thẳng và nước chủ nhà đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm ra ngôn ngữ chung được sự chấp nhận của tất cả các nền kinh tế tham gia.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế thương mại, hội nghị lần này cũng chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực giữa các cường quốc lớn. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp lãnh đạo một số quốc đảo Thái Bình Dương để kêu gọi sự ủng hộ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). 

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence cũng tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Australia nhằm tái quy hoạch một căn cứ hải quân tại Papua New Guinea. Tuy vậy, bên cạnh các vấn đề căng thẳng phủ bóng hội nghị này, các nền kinh tế thành viên APEC cũng tích cực thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề chung như thành lập Hiệp định Thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương, cách thức phát triển các dự án cơ sở hạ tầng khu vực...

Các nhà lãnh đạo thành viên APEC ngày 18-11 đã không thể đưa ra được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao lần này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức.

Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Peter O'Neill cho biết sẽ thay mặt các nền kinh tế ra tuyên bố chủ tịch. Theo ông, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế đã nảy sinh bất đồng về việc cải tổ WTO.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.