Chính sách đối ngoại của Nhật thay đổi thế nào thời hậu Abe?

Thứ Năm, 10/09/2020, 08:27
Trong bài viết “Shinzo Abe Shinzo: Người khổng lồ rời bỏ chính trường Nhật Bản” của Giáo sư Rajaram Panda - nghiên cứu viên Hạ viện Ấn Độ, nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng IDSA đã chỉ ra rằng, trong chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã được đưa lên hàng đầu, trong khi quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản được mở rộng lên một tầm cao mới.


Những thăng trầm

Về đối nội, các biện pháp chính sách kinh tế của ông Shinzo Abe được gọi là Abenomics, một chiến lược kinh tế bao gồm sự kết hợp giữa nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa thông qua chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và tăng trưởng liên tục trong 71 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua…

Trong thời gian Thủ tướng Shinzo Abe nắm quyền, chỉ số Nikkei 225 đã tăng gấp đôi, từ 10.000 điểm vào tháng 12/2012 lên hơn 20.000 điểm. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Và đến tháng 10/2018, thời kỳ tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong thời hậu chiến đã kết thúc.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Kể từ đầu năm nay, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái do tác động của dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cùng các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, quyết định tăng thuế tiêu dùng hai lần vào năm 2014 và 2019 cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sức tiêu dùng nội địa. Những điều này dẫn đến việc Abenomics mất đi động lực khi mọi người bắt đầu nghi ngờ sự thiếu cam kết đối với cải cách cơ cấu.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tiếp tục dẫn đến sự suy giảm sức khỏe nền kinh tế Nhật Bản, cản trở sự phục hồi của quốc gia này, bất chấp gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Shinzo Abe cũng chứng kiến những vụ bê bối liên quan tới một số bộ trưởng trong nội các, trong đó đáng chú ý là nghi án mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2019 của vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai và vụ bắt giữ Hạ nghị sỹ Tsukasa Akimoto của LDP với cáo buộc nhận hối lộ từ một doanh nghiệp Trung Quốc. Song ông Shinzo Abe đã vượt qua nhiều cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Dù không thể sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp, ông Shinzo Abe đã đạt được một số mục tiêu của mình khi vào năm 2015 thông qua luật an ninh gây tranh cãi cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài cùng với các lực lượng đồng minh, như một phần của lực lượng tự vệ tập thể. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.

Theo một báo cáo năm 2019 của Goldman Sachs, việc trao quyền cho phụ nữ và đưa họ vào lực lượng lao động, được gọi là Womenomics, đã dẫn đến “sự tham gia kỷ lục của lao động nữ (71%), vượt qua Mỹ và châu Âu, trợ cấp nghỉ phép hậu hĩnh, cải thiện tính minh bạch về giới, và cải cách lao động”. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy một số thiếu hụt và ghi nhận “tình trạng thiếu lãnh đạo nữ, chênh lệch lương theo giới, hợp đồng lao động không linh hoạt, ưu đãi thuế, thiếu năng lực chăm sóc và thành kiến vô thức”.

Những vấn đề trên đã không được giải quyết đầy đủ trong các chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe. Hơn nữa, một số ít thành viên nội các và chỉ 10% phụ nữ tại Hạ viện cho thấy tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tiếp diễn.

Về chính sách đối ngoại, một lần nữa các kết quả lại trái ngược nhau. Ông Shinzo Abe xây dựng quan hệ cá nhân rất tốt với Tổng thống Donald Trump và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, bất chấp việc Tổng thống Mỹ đã cố gắng rút sự hiện diện khỏi Nhật Bản để buộc nước này chia sẻ một phần lớn hơn gánh nặng an ninh.

Những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ là rất đáng khen ngợi. Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã được đưa lên hàng đầu, trong khi quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản được mở rộng lên một tầm cao mới. Hoạt động thương mại, đầu tư, liên doanh, liên kết, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Nhật Bản và Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng, trong khi hợp tác quốc phòng song phương trở nên rất sâu sắc...

Ai sẽ lấp khoảng trống chính trị?

Trong thời gian tạm thời, một ứng cử viên đồng thuận của đảng LDP sẽ được chọn để lãnh đạo chính phủ cho đến khi LDP tổ chức bầu cử lãnh đạo. Nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kết thúc vào tháng 9-2021. Cho đến thời điểm này, có 3 ứng cử viên hàng đầu thay thế Thủ tướng Shinzo Abe gồm Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga; cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP; và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người đã từng giữ chức Tổng Thư ký LDP.

Trong số những gương mặt sáng giá này, ứng cử viên Yoshihide Suga hiện được cho là có lợi thế khi có tới 5 phái trong đảng ủng hộ, ngoài ra còn có hơn 30 nghị sĩ không thuộc phái nào cũng ủng hộ. Với chính sách sẽ ưu tiên cho việc phát triển địa phương, ông có thể sẽ được nhận nhiều ủng hộ từ các địa phương. Chưa hết, ông cũng là ứng cử viên được công chúng ủng hộ nhiều nhất cho vị trí Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.

Kết quả thăm dò dư luận của nhật báo Asahi Shimbun được công bố hôm 4-9 thể hiện tỷ lệ ủng hộ ông Yoshihide Suga tăng nhanh chóng sau khi ứng cử viên tiềm năng này giành được sự ủng hộ từ một số phe phái chính trong LDP. Hiện ông đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 38% (so với mức 3% trong tháng 6), ông Shigeru Ishiba đứng thứ hai với tỷ lệ 25% và cuối cùng là ông Fumio Kishida với tỷ lệ 5%. Trong khi đó, hai ứng cử viên còn lại cũng đang tích cực vận động sự ủng hộ và diễn thuyết liên quan đến những chính sách nổi bật.

Cuộc bầu cử lần này không chỉ là bầu ra Tân Thủ tướng cho 1 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, mà còn quyết định uy tín cho việc tái ứng cử vào chức Thủ tướng cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Về mặt chính sách, ông Yoshihide Suga cam kết sẽ kế thừa chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện trước đó, đồng thời đặt trọng tâm vào việc cải cách chính quyền Trung ương, phát triển khu vực địa phương. Trong khi đó, ông Shigeru Ishiba chủ trương tạo ra nền chính trị thấu hiểu và đồng cảm mà cụ thể sẽ chuyển đổi sang nền kinh tế chủ đạo là đáp ứng nhu cầu trong nước. Riêng ông Fumio Kishida thì đưa ra chính sách nỗ lực xóa bỏ khoảng cách kinh tế trong xã hội.

Theo dự kiến, vào ngày 14/9 tới, LDP sẽ tổ chức bỏ phiếu để bầu ra chủ tịch mới, người sau đó sẽ được Quốc hội bầu để giữ chức thủ tướng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.