Châu Âu tăng cường các biện pháp chống khủng bố

Thứ Bảy, 21/11/2015, 10:13
Ngày 20/11, đã diễn ra cuộc họp các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), nhằm thảo luận về biện pháp kiểm soát tốt hơn biên giới bên ngoài Liên minh, ngăn chặn buôn lậu vũ khí và tăng cường trao đổi thông tin.

Trước đó 2 ngày, cơ quan hành pháp cao nhất của EU là Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua một gói các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát súng trên toàn lãnh thổ các nước thành viên, bao gồm các biện pháp thắt chặt việc kiểm soát mua bán và sở hữu súng sẽ giúp các nước EU đối phó tốt hơn với nguy cơ vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Tại cuộc họp ngày 20/11, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc thắt chặt biên giới bên ngoài khu vực Schengen, khu vực miễn hộ chiếu và mọi loại hình kiểm soát tại biên giới chung EU, trong bối cảnh chưa hết bàng hoàng vì thảm kịch đêm 13/11 tại Paris (Pháp).

Các bộ trưởng cũng đề cập tới vấn đề thông tin hành khách hàng không (PNR), một hệ thống lưu trữ các dữ liệu chuyến bay của hành khách nhằm phát hiện những chuyến bay nghi vấn. Dự án này được đưa ra thảo luận trong EU từ tám năm nay nhưng luôn bế tắc, đặc biệt tại Nghị viện châu Âu (EP) do những nghi ngại về việc bảo vệ đời sống riêng tư và các dữ liệu cá nhân.

Đại diện của Pháp đưa ra ý kiến rằng, mọi công dân EU phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt tương tự như những du khách không thuộc khu vực này. Đức thì đưa ra cảnh báo về một cuộc “chiến tranh khủng bố trên toàn thế giới”.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BfV) Hans-Georg Maassen cho rằng, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã biến châu Âu thành kẻ thù của chúng và các nước châu Âu phải “giả định một cái gì đó giống thảm kịch ở Paris có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan thì đưa ra ý tưởng thành lập khu vực “mini Schengen” (bao gồm các nước Đức, Austria, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) và tiến hành kiểm tra hộ chiếu tại biên giới với các nước thành viên EU; đồng thời thành lập các trại trung chuyển cho những người tỵ nạn, sẽ cư trú ngoài lãnh thổ các quốc gia này.

Trước đó, hôm 19/11, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nhấn mạnh sự cấp bách châu Âu phải “tỉnh dậy, tự tổ chức và tự bảo vệ chống lại các mối đe dọa khủng bố”. Ông Cazeneuve cho biết, Pháp đã không nhận được bất cứ cảnh báo nào từ các nước châu Âu khác về việc Abdelhamid Abaaoud – một gương mặt nổi tiếng của IS đã nằm trong danh sách truy nã quốc tế - đã tới châu lục này. Khoảng ba ngày sau khi xảy ra thảm kịch đêm 13/11, Paris nhận được thông tin tình báo từ một quốc gia không thuộc EU rằng, Abaaoud đã qua Hy Lạp trên hành trình trở về từ Syria. Kẻ đánh bom tự sát bên ngoài sân vận động Stade de France cũng được xác định thông qua dấu vân tay đã đăng ký là một người nhập cư tại Hy Lạp.

An ninh đã được thắt chặt tại Pháp sau thảm kịch đêm 13/11.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng, một số phần tử tham gia cuộc tấn công đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư để “lọt” vào Pháp. Cũng trong ngày 19/11, Pháp đã đệ trình dự thảo nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) tăng cường và phối hợp các nỗ lực nhằm ngăn chặn và triệt tiêu các hành động khủng bố của IS cũng như các nhóm cực đoan khác có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Văn kiện nêu rõ, IS là một mối đe dọa toàn cầu và chưa từng có tiền lệ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời lên án các hành động khủng bố gần đây tại Paris và Beirut, Liban.

Dự thảo của Pháp cũng kêu gọi sớm áp đặt lệnh trừng phạt đối với các thủ lĩnh và những lực lượng ủng hộ IS. Văn kiện trên không đưa ra bất kỳ nền tảng pháp lý nào cho các hành động quân sự, cũng như không đề cập đến điều 7 trong Hiến chương LHQ về sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra sự hỗ trợ mang tính chính trị quan trọng cho chiến dịch chống IS của cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre nhấn mạnh, mối đe dọa khác thường và chưa từng thấy mà IS gây ra cho cộng đồng quốc tế đòi hỏi HĐBA phải có sự phản ứng mạnh mẽ, thống nhất và rõ ràng.

Phương Tây đang đánh giá thấp IS

Đó là đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Albert Stahel, chuyên gia quân sự và chính trị quốc tế, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Waedenswil.

Theo đó, IS không phải là một đội quân du kích, mà là một lực lượng quân đội được đào tạo bài bản với nhiều chỉ huy từng phục vụ trong quân đội của Iraq trước đây. Do đó, những chiến binh này rất thiện chiến, chưa kể đến những lính đánh thuê nhiều kinh nghiệm khác tới từ Chechnya và cả từ châu Âu.

Giáo sư Stahel chỉ ra rằng, việc tiêu diệt IS bằng biện pháp quân sự là khả thi song thời gian cho giải pháp này không còn nhiều trước khi IS trở nên quá mạnh. Điều cốt lõi để đánh bại được IS là phải tiêu diệt được đội ngũ của tổ chức này, đồng thời phải đi kèm với một chiến dịch quân sự rộng lớn cả trên không và trên bộ.

Giáo sư Stahel cho rằng, cần phải mở rộng quy mô sử dụng máy bay ném bom và nhằm vào nhiều mục tiêu quan trọng là cứ điểm của IS như thành phố Raqqa và Mosul. Bên cạnh đó, lực lượng bộ binh được huấn luyện bài bản cần phải triển khai khoảng 100.000 lính dưới sự yểm trợ của pháo và xe tăng.

Kim Linh

Khổng Hà
.
.
.