Châu Âu hướng tới cuộc bầu cử quan trọng

Thứ Hai, 13/05/2019, 07:14
Còn không đầy 2 tuần nữa, châu Âu sẽ bước vào cuộc bầu cử Nghị viện quan trọng lớn trong năm nay, dự kiến diễn ra từ ngày 23 – 26-5, bởi có thể là một cuộc trưng cầu ý dân về công trình hội nhập đã tồn tại 6 thập kỷ qua của một khối các quốc gia đóng tại Brussels.


Không những vậy, cuộc bầu cử này còn quan trọng đối với cả phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một siêu cường kinh tế, với tổng GDP tương đương với Mỹ và lớn hơn Trung Quốc.

Một lý do giải thích tại sao cuộc bầu cử năm nay càng thu hút hơn ở châu Âu là bởi khả năng Anh sẽ tham gia bỏ phiếu đang ngày càng lớn. Gần ba năm sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, các cử tri Anh sẽ vẫn tham gia bỏ phiếu, trừ khi Thủ tướng Theresa May có thể nhanh chóng được Nghị viện thông qua thỏa thuận “ly hôn” EU.

Thế bế tắc dai dẳng của Brexit là một lý do khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả cuộc bỏ phiếu này là một lựa chọn hoặc là vì châu Âu, hoặc chống lại châu Âu. Trong bối cảnh các đảng có chủ trương chống hội nhập và hoài nghi châu Âu trên khắp lục địa già đang kỳ vọng vào những thành tựu lớn, ông Emmanuel Macron đang tìm cách quy tụ các lực lượng tự do và theo chủ nghĩa quốc tế đã được cứu rỗi bởi cuộc bầu cử Tây Ban Nha hôm 28-4 vừa qua, vốn chứng kiến một sự hồi sinh mạnh mẽ của đảng Xã hội cực kỳ thân châu Âu.

Hội nghị Thượng đỉnh EU không chính thức diễn ra hôm 8-5 tại Sibiu, Romania.  Ảnh: AFP

Quả thực, thách thức đối với Tổng thống Pháp và những người cùng chí hướng chính là việc cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh phần lớn cử tri đều bất mãn và thờ ơ. Điều này còn bị kích động bởi thực tế là hầu hết người dân ở châu lục đã không còn niềm tin vào Nghị viện châu Âu (EP), cho rằng EU dường như quá thờ ơ với cuộc sống của họ.

Số lượng cử tri tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã giảm liên tục, từ 62% năm 1979 xuống mức thấp kỷ lục là 42% vào năm 2014. Tại một số quốc gia, lượng người đi bầu cũng chỉ đạt mức khoảng 2 con số trong lần bầu cử trước. Sự thờ ơ này xảy ra bất chấp việc các cường quốc phát triển mạnh mẽ được hưởng lợi từ EP.

Trước bối cảnh đó, trong tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức diễn ra tại thành phố Sibiu của Romania hôm 8-5 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU khẳng định cam kết xây dựng một châu Âu đoàn kết, thống nhất trong một thế giới đầy bất ổn và thách thức.

Tuyên bố nêu rõ, kể từ khi thành lập đến nay, EU đã mang lại sự ổn định và thịnh vượng không chỉ trong lòng châu Âu mà còn vượt ra khỏi biên giới của mình, trở thành một tổ chức có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế cả trong chính trị lẫn thương mại.

Nhưng trong một thế giới đầy bất ổn và thách thức như hiện nay, các nước thành viên không còn lựa chọn nào khác là phải đoàn kết cùng nhau để xây dựng một EU mạnh mẽ hơn, có một tương lai tươi sáng hơn, đồng thời ủng hộ viễn cảnh thành viên của các quốc gia châu Âu khác.

Tuyên bố Sibiu đưa ra 10 cam kết, trong đó các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm đoàn kết chung tay xây dựng một châu Âu thống nhất từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc, bất chấp những khó khăn, rào cản ở phía trước.

Trước những vấn đề gây chia rẽ trong khối, các nhà lãnh đạo đồng ý tìm kiếm các giải pháp chung để giải quyết vấn đề của khối trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Một điểm quan trọng khác là các nhà lãnh đạo cam kết bảo vệ người dân châu Âu, đầu tư mạnh mẽ hơn vào thế hệ trẻ vì tương lai của châu lục, đồng thời đưa châu Âu trở thành một tổ chức dẫn dắt có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên chính là cách thức lựa chọn người đứng đầu các cơ quan định chế hàng đầu của EU, trong đó có Ủy ban Châu Âu (EC), sau cuộc bầu cử EP vào cuối tháng 5.

Theo kết quả tổng hợp các cuộc thăm dò cấp quốc gia được EP ủy quyền tiến hành và công bố hôm 18-4, mặc dù liên minh các đảng thân châu Âu có thể giành đa số trong cuộc bầu cử EP, song với việc Anh dự đoán sẽ tham gia cuộc bầu cử do tiến trình Brexit (Anh rời khỏi EU) bị hoãn lại, tỷ lệ ghế các đảng hoài nghi châu Âu chiếm giữ cũng sẽ tăng từ 10% hiện nay lên 14,3%.

Trước đó, trong cuộc khảo sát hồi tháng 3, các đảng hoài nghi châu Âu được dự báo có thể chiếm 13% số ghế trong EP là không tính đến các cuộc bỏ phiếu tại Anh. Hiện tại, liên minh các đảng trung tả và trung hữu chiếm đa số. Kết quả cuộc khảo sát mới, trong đó tổng hợp các cuộc thăm dò quốc gia công bố tới ngày 15-4, cho thấy số ghế tại EP vẫn là 751, trong đó đảng Nhân dân châu Âu theo đường lối trung hữu (EPP) vẫn chiếm nhiều nhất với 180 ghế (tương đương 24%), giảm so với mức 29% hiện nay.

Các đảng Dân chủ và Xã hội trung tả đứng thứ hai với 149 ghế (tương đương 19,8%) và các đảng Tự do đứng thứ ba với 76 ghế (chiếm 10%). Mặc dù vậy, tương quan giữa các đảng vẫn có thể bị đảo ngược nếu Anh và EU bất ngờ đạt được thỏa thuận ra đi trước thời điểm diễn ra bầu cử EP sắp tới.

Bên cạnh đó, những nhân tố phi chính trị, hoài nghi châu Âu của cuộc bầu cử năm nay đang thu hút sự chú ý nhất và họ đang nỗ lực giành được thành tựu lớn. Do đó, kết quả bầu cử sẽ dựa vào tỷ lệ cử tri và khả năng các cử tri đến từ khu vực trung tâm của các hoạt động chính trị của châu Âu có đạt đủ số lượng cần thiết để đảm bảo sự vượt trội về quyền lực trong cơ quan lập pháp tiếp tục nằm trong tay phe đa số ôn hòa hay không.

PV(tổng hợp)
.
.
.