Châu Âu đau đầu với vấn đề ly khai

Thứ Bảy, 09/09/2017, 11:29
Chính quyền xứ Catalonia dự kiến tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào đầu tháng 10 tới đây để quyết định sẽ ở lại hay rời khỏi Tây Ban Nha. Trong khi chính phủ Tây Ban Nha nhất quyết phản đối và cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là đi ngược lại với Hiến pháp nước này, dù điều gì xảy ra vào ngày phán quyết quan trọng đó, bên nào cũng sẽ chịu nhiều tổn thất.


Ngày 6-9, “Dự luật trưng cầu dân ý” đã được Nghị viện vùng Catalonia thông qua với 72 phiếu thuận và 11 phiếu trắng, đồng thời, người đứng đầu Catalonia, ông Carles Puidemont cũng ký sắc lệnh nhằm chính thức kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 tới đây để quyết định về sự ra đi hay ở lại Tây Ban Nha của Catalonia.

Động thái này của chính quyền Catalonia gặp phải sự phản đối cực kỳ gay gắt từ phía chính phủ Tây Ban Nha. Thủ tướng nước này, ông Mariano Rajoy, đã tuyên bố hành động này đã đi trái với Hiến pháp Tây Ban Nha, kiên quyết không để một cuộc trưng cầu dân ý như vậy diễn ra khiến một vùng kinh tế quan trọng rời khỏi Tây Ban Nha, mặc dù vậy, ông vẫn hạn chế những biện pháp mang tính tiêu cực để tránh làm cho tình trạng đất nước trở nên xấu đi. 

Theo quy định trong Hiến pháp của Tây Ban Nha, bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về vấn đề chủ quyền đều phải được tiến hành trên phạm vi toàn quốc chứ không phải là một khu vực riêng lẻ, đồng thời, cũng theo Hiến pháp nước này, mặc dù đã từng cho Catalonia khá nhiều quyền tự chủ, chính quyền Madrid vẫn có quyền can thiệp trực tiếp vào hoạt động của chính quyền khu vực Catalonia, điều đó có nghĩa rằng chính quyền Tây Ban Nha có thể bắt Catalonia hủy cuộc trưng cầu dân ý này, như những gì từng xảy ra trong quá khứ. Ngày 7-9, Tòa án Hiến Pháp Tây Ban Nha đã đình chỉ cuộc trưng cầu dân ý.

Người dân Catalonia biểu tình đòi ly khai năm 2012. Ảnh Wiki

Người dân xứ Catalonia vẫn còn nhiều chia rẽ về việc ở lại hay ra đi, tuy vậy, nhiều người đều ủng hộ nên có một cuộc trưng cầu dân ý. Catalonia được biết đến là một trong 17 vùng tự trị của Tây Ban Nha, một trong những khu vực đông dân cư và giàu có bậc nhất của đất nước bên bờ Địa Trung Hải, với khoảng 7,5 triệu dân, đóng góp đến 20% cho GDP của nước này. 

Những người theo hơi hướng ủng hộ ly khai cho rằng Catalonia phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc khủng hoảng kinh tế tại Tây Ban Nha giai đoạn 2008-2013, thậm chí, khu vực của mình phải đóng thuế nhiều so với những gì chính quyền trung ương Madrid đầu tư.

Việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lại một lần nữa làm dấy lên những căng thẳng và chia rẽ trong lòng xã hội Tây Ban Nha, vốn dĩ đã như một vết thương khó lành. Giữa Catalonia và Madrid luôn có sự bất đồng, thể hiện qua nhiều phương diện. 

Ví dụ như trong những trận đấu giữa Barcelona và Real Madrid, cổ động viên của Barcelona thường mang theo cờ xứ Catalan, hát bài “Els Segadors”, vốn được coi là “quốc ca” của vùng để tưởng nhớ lại một cuộc nổi dậy năm 1640 chống lại chế độ quân chủ Tây Ban Nha, cũng như các biểu ngữ đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Hay như ngay sau khi thông qua “dự luật” ngày 6-9 vừa qua, các nhà lập pháp Catalonia ủng hộ ly khai cũng đã hát bài “Els Segadors”.

Năm 2014, chính quyền xứ Catalonia đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến không chính thức và nhận được đến 2 triệu phiếu ủng hộ ly khai. Cuộc thăm dò này diễn ra sau khi Scotland có ý định muốn tách ra khỏi Liên hiệp Anh và cũng tiến hành trưng cầu dân ý, nhưng không đạt được sự ủng hộ cao. 

Cũng từ bài học xương máu của nhiều khu vực khác trên thế giới, chính phủ Tây Ban Nha đã phải sử dụng nhiều biện pháp vừa mạnh tay vừa mềm mỏng nhằm ngăn chặn một cuộc ly khai của Catalonia. 

Chính quyền Madrid từng trao cho Catalonia quyền tự trị cao hơn, tự quyết về tài chính và một số vấn đề khác, tuy nhiên, lại kiên quyết xử lý với bất kỳ ai khởi xướng trưng cầu dân ý với hơi hướng ly khai như vụ xét xử cựu lãnh đạo xứ Catalonia Artur Mas. 

Dù vậy, phong trào đấu tranh đòi quyền tự trị, thậm chí là hoàn toàn tách khỏi Tây Ban Nha tại Catalonia vẫn nhen nhóm và âm thầm diễn ra mà đỉnh điểm là việc ký sắc lệnh “trưng cầu dân ý” hôm 6-9 vừa qua.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu một cuộc ly khai xảy ra, cả Tây Ban Nha và Catalonia đều sẽ bị tổn thương. Cho đến nay, chưa có quốc gia hay tổ chức quốc tế nào bày tỏ sự quan tâm thực sự đến việc Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha. 

Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại rằng việc ly khai của Catalonia có thể sẽ làm một “gương xấu” cho các nhóm hoạt động ly khai khác trong khu vực noi theo, cho rằng nếu xứ này tách khỏi chính quyền Madrid thì sẽ phải nộp lại đơn xin gia nhập vào EU, mà điều này thì Tây Ban Nha có thể gây khó dễ được. 

Tác động về kinh tế là điều cũng cần được nói đến. Catalonia có tổng sản phẩm khu vực lên đến 256 tỷ USD, lớn nhất trong các khu vực của Tây Ban Nha, thậm chí còn lớn hơn cả GDP của Hy Lạp, tương đương với của Phần Lan, Ireland hay Đan Mạch, tuy nhiên, nhiều sản phẩm thiết yếu tại khu vực này lại do nhà nước Tây Ban Nha cung cấp. Ngược lại, GDP của Tây Ban Nha cũng phụ thuộc không nhỏ vào các sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa của Catalonia. 

Hơn nữa, sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Barcelona, nhiều quan chức chính phủ Tây Ban Nha khẳng định rằng “Không có Tây Ban Nha, Catalonia sẽ không an toàn”. Tuyên bố này cũng phần nào tác động đến tâm lý của nhiều người dân Catalonia trong bối cảnh an ninh và các mối đe dọa khủng bố tại châu Âu ngày càng hiện hữu và khó lường.

Diễn biến tại khu vực châu Âu và trên thế giới đang ngày càng phức tạp, những dự báo được đưa ra ngày hôm nay có thể sẽ không trở thành sự thật vào ngày hôm sau. Hai năm trước, không ai sẽ nghĩ ra viễn cảnh về cuộc chia tay tốn kém và ồn ào của nước Anh với EU, nhưng cuối cùng nó vẫn xảy ra. Chưa rõ liệu cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 tới có diễn ra hay không và kết quả của ngày phán quyết đó thế nào, nhưng có lẽ cả Tây Ban Nha và Catalonia sẽ chịu tổn thất nếu cuộc ly khai xảy ra.

Duy Tiến
.
.
.