Căng thẳng với Nga, Ukraine dọa phát triển vũ khí hạt nhân

Thứ Sáu, 16/04/2021, 21:10
Đại sứ Ukraine tại Đức Andrej Melnyk cảnh báo Kiev đang cân nhắc việc tự trang bị vũ khí hạt nhân nếu không được kết nạp thành thành viên của khối quân sự NATO.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andrej Melnyk. Ảnh: Deutschlandfunk

"Hoặc chúng tôi là một phần của một liên minh như NATO và cũng góp phần làm cho châu Âu này trở nên mạnh mẽ hơn... hoặc chúng tôi chỉ có một lựa chọn, đó là tự trang bị vũ khí cho chính mình", Đại sứ Ukraine tại Đức Andrej Melnyk ngày 15/4 phát biểu với truyền thông Đức, Anadolu đưa tin.

Ông Andrej Melnyk nói thêm rằng Kiev có lẽ cần "xem xét lại tình trạng hạt nhân", tức trang bị vũ khí hạt nhân. "Liệu có cách nào khác để chúng tôi bảo đảm phòng thủ cho chính mình?", quan chức ngoại giao Ukraine đặt câu hỏi.

Vị Đại sứ Ukraine tại Đức cũng cho biết quân đội nước này đang cần thêm sự hỗ trợ. "Chúng tôi cần những hệ thống vũ khí hiện đại nhất để tăng cường khả năng phòng thủ của mình", ông Andrej Melnyk nói.

Phát biểu được quan chức Ukraine đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và Nga leo thang đáng kể do tình hình ở miền Đông Ukraine. Từ cuối tháng 3/2021, trước lo ngại Ukraine có thể phát động cuộc chiến mới chống phe ly khai, Nga đã tăng cường lực lượng quân đội đến Crimea và khu vực gần biên giới Ukraine.

Các binh sĩ chuẩn bị tháo dỡ một tên lửa đạn đạo SS-19 trong căn cứ tên lửa lớn nhất của quân đội Liên Xô cũ ở Vakulenchuk, Ukraine vào khoảng năm 1994. Ảnh: AP

Đáp lại, Ukraine gọi hành động trên là nhằm đe dọa họ và hối thúc Mỹ cùng các nước NATO hỗ trợ chống Nga. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tuần trước khẳng định việc được gia nhập NATO là cách duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng miền Đông.

Vào thời điểm Liên Xô tan rã, Ukraine là quốc gia được thừa hưởng số vũ khí lớn thứ hai, sau Nga, trong đó có nhiều khí tài hiện đại và cả vũ khí hạt nhân. Ukraine từng được đánh giá là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 toàn cầu.

Năm 1994, trước áp lực của cộng đồng quốc tế cũng như trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí bảo dưỡng vũ khí hạn hẹp, Ukraine cùng Belarus đã đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, đổi lại cam kết của Mỹ, Anh và Nga về việc tôn trọng biên giới.

Thiện Nhân
.
.
.