Nga và Pakistan bàn giải pháp ngăn chặn IS tái lập

Thứ Sáu, 23/03/2018, 09:58
Tại cuộc họp của Nhóm công tác chung (JWG) Nga – Pakistan về chống khủng bố diễn ra hôm 21-3 (giờ địa phương) tại thủ đô Islamabad của Pakistan, các quan chức cấp cao chống khủng bố của hai nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa đang gia tăng từ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Từ đó, Nga và Pakistan tái khẳng định cam kết thúc đẩy song phương để giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.

Tuyên bố chung của JWG nêu rõ: “Có một sự đồng thuận lớn trước thực tế khủng bố là một mối đe dọa toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế để tiêu diệt chúng một cách triệt để. Mặc dù cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq đã đạt được những thành công lớn, nhưng những tay súng IS từ những khu vực giao tranh quay trở về các quốc gia bản địa hay các quốc gia thứ ba đã tạo nên một mối đe dọa an ninh lớn với nhiều nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có cả khu vực này. Quan trọng là các nước trong khu vực phải hợp tác chống lại mối đe dọa này”. 

Cuộc họp của JWG diễn ra trong bối cảnh, trong những ngày gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ tấn công gây nhiều thương vong do IS thực hiện. Gần đây nhất là vụ đánh bom liều chết hôm 20-3 tại phía Tây thủ đô Kabul của Afghanistan khiến 26 người thiệt mạng và 18 người khác bị thương.

Cùng ngày, 36 binh sỹ thuộc lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria đã thiệt mạng tại quận Qadam ở thủ đô Damascus, sau khi IS mở cuộc tấn công bất ngờ vào buổi đêm và chiếm quyền kiểm soát khu vực này.

Quân đội Syria giải phóng đất nước khỏi tay IS.

Trong khi đó tại Iraq, cũng trong ngày 20-3, IS đã bắt cóc 10 cảnh sát liên bang ở thủ đô Baghdad khi những người này đang trở về sau kỳ nghỉ phép. Hồi tuần trước, trong một chiến dịch đặc biệt được triển khai tại khu vực thủ đô Moscow, lực lượng chức năng của Nga đã bắt giữ 60 công dân nước ngoài với cáo buộc thiết lập đường dây đưa các đối tượng ủng hộ IS.

Trong một thông báo, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, trong suốt quá trình truy quét và lục soát tại 17 địa điểm, lực lượng an ninh còn phát hiện ba cơ sở được sử dụng để in ấn các tài liệu giả mạo cùng số lượng lớn con dấu, con tem, nhiều mẫu thẻ di trú của Nga, cũng như nhiều bản gốc và bản photo mẫu hộ chiếu của các quốc gia nước ngoài.

Qua điều tra, FSB xác nhận các đối tượng tổ chức đường dây đưa người sang Syria và Iraq nói trên có mối liên hệ với những phần tử thuộc các nhóm khủng bố quốc tế.

Hồi đầu tuần này, Mỹ cũng đã lặp lại cảnh báo IS bắt đầu tập hợp lại lực lượng tại một số khu vực ở Syria, trong bối cảnh chiến dịch quân sự mang tên “Cành Ôliu” do Thổ Nhĩ Kỳ phát động tại thành phố Afrin ở miền Bắc Syria, nhằm quét sạch lực lượng phiến quân thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara cáo buộc là có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã khiến lực lượng người Kurd không thể tham gia chiến dịch chống khủng bố cùng với Washington.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Rob Manning nhấn mạnh rằng, Washington “rất quan ngại về ảnh hưởng của chiến dịch “Cành Ôliu” tới nỗ lực đánh bại nhóm khủng bố IS. Chúng tôi muốn các hành động quân sự chấm dứt trước khi IS có cơ hội củng cố lại lực lượng ở miền Đông Syria”. Trong một cảnh báo ở cấp độ mạnh mẽ hơn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng IS đã bắt đầu tập hợp lại ở một số khu vực.

Theo đó, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Chiến dịch quân sự ở phía Tây Syria và cả chiến dịch tại Afrin trong 2 tháng qua, đã làm chệch hướng nỗ lực đánh bại khủng bố IS và cho chúng cơ hội bắt đầu tập hợp lực lượng tại một số khu vực ở Syria”.

Đáp lại những cáo buộc của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Chỉ trích nhằm vào chiến dịch chống khủng bố người Kurd tại Afrin đã cản đường cuộc chiến chống khủng bố IS là hoàn toàn vô căn cứ. Cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria thực sự bị phá hủy bởi việc sử dụng một lực lượng khủng bố khác tham chiến”.

Hồi đầu tháng này, Washington cũng đã cảnh báo các quan chức thực thi pháp luật và tư pháp trên toàn thế giới về mối nguy hiểm đang ngày càng gia tăng từ các “chân rết” của IS tại các khu vực trên thế giới, cho rằng tổ chức này vẫn đang phát triển và có sự thích nghi mới sau khi bị đánh bại tại những thành trì cuối cùng ở Syria và Iraq.

Theo phía Mỹ, việc các tay súng tìm đến những sào huyệt mới và âm thầm gây dựng lực lượng khiến cuộc chiến chống khủng bố bước sang giai đoạn khó khăn mới. Trong giai đoạn này, lực lượng chống khủng bố sẽ khó phát hiện và phải dựa vào cơ quan thực thi pháp luật và truy tố dân sự đối với các đối tượng tình nghi. Thực tế này cho thấy, IS đang ngày càng phân chia theo khu vực, và các tay súng theo đuổi chiến thuật chung là nhằm vào người dân vô tội.

Trong bối cảnh nguy hiểm này, ưu tiên trước mắt là cần ngăn chặn khả năng IS tái lập. Các quốc gia cần kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, tăng cường trao đổi các thông tin thiết thực giữa chính phủ các quốc gia, đồng thời cần có các biện pháp ngăn chặn các dòng tiền mà các tổ chức khủng bố có thể huy động. Internet cũng cần phải được quản lý chặt chẽ, tránh việc IS lợi dụng công cụ này để tuyên truyền những tư tưởng cực đoan hay tuyển mộ thêm các tay súng.

Ngoài ra, các quốc gia cần tăng cường khả năng quân sự nhằm đủ sức đối phó với các nguy cơ có thể xảy ra, hạn chế hoạt động cũng như ảnh hưởng của mạng lưới các tổ chức liên quan đến IS trên toàn cầu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.