COVID-19 và tiến trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Đông Á

Thứ Bảy, 04/04/2020, 09:32
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, từ Chính phủ đến người dân của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có sự hỗ trợ và tương tác ôn hòa hiếm thấy trong những năm gần đây...


Mặc dù đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung Quốc và ASEAN luôn hỗ trợ cho nhau, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thoát khỏi những hạn chế trong mối quan hệ tế nhị trước đây để tạo ra sự tương tác mới. Điều này đã trở thành góc nhìn quan trọng mới để quan sát tiến trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Đông Á.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, từ Chính phủ đến người dân của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có sự hỗ trợ và tương tác ôn hòa hiếm thấy trong những năm gần đây. Vào thời điểm Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn, sự hỗ trợ của Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm cho Trung Quốc cảm thấy ấm áp hơn nhiều.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc và sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ Trung Quốc theo nguyên tắc Nhật Bản đối xử bình đẳng với người nước ngoài trong quá trình điều trị”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegicho cho biết: “Nhật Bản bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với việc chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp tích cực và mạnh mẽ để kiên quyết kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Nhật Bản muốn cùng với Trung Quốc đối phó với mối đe dọa của dịch COVID-19, sẽ hỗ trợ và giúp đỡ toàn diện cho Trung Quốc”.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng công khai nhấn mạnh: “Khó khăn của Trung Quốc là khó khăn của chúng tôi, giúp đỡ láng giềng là đang giúp chính mình. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Trung Quốc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Virus SARS-CoV-2 buộc nhân loại phải tìm kiếm những giải pháp chưa từng có để thoát khỏi khủng hoảng. Ảnh:WHO

Sự hỗ trợ vật tư của chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân Hàn Quốc và Nhật Bản cho Trung Quốc khiến người ta cảm động, hai nước này đã cung cấp nhiều vật tư y tế cần thiết và khẩn cấp như khẩu trang, quần áo bảo hộ và kính bảo hộ cho Trung Quốc.

Khi tình hình dịch COVID-19 ở Nhật Bản và Hàn Quốc diễn biến ngày càng phức tạp, Trung Quốc cũng tích cực và chủ động giải quyết những khó khăn cùng hai nước này. Chẳng hạn, sau khi biết Nhật Bản thiếu liều thử axit nucleic để phát hiện virus SARS-CoV-2, Trung Quốc đã nhanh chóng tặng nhiều bộ dụng cụ thử axit nucleic cho Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản.

Chính phủ Trung Quốc sau đó lần lượt tặng 5.000 bộ quần áo bảo hộ và 100.000 khẩu trang cho Nhật Bản… Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì nhấn mạnh “sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ với khả năng cho phép cho Nhật Bản chống lại dịch COVID-19” khi tới thăm đất nước hoa anh đào.

Đối với Hàn Quốc, Trung Quốc đã cung cấp 100.000 khẩu trang N95, 1 triệu khẩu trang y tế, 10.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, 5.000 bộ thử và xuất khẩu lô 5 triệu khẩu trang đầu tiên cho đất nước Kim chi Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “Khó khăn của Hàn Quốc chính là khó khăn của chúng tôi”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đề nghị 3 nước hoàn thiện cũng như tăng cường cơ chế trao đổi và phối hợp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thực hiện công tác phòng chống và kiểm soát chung, tăng cường trao đổi thông tin về dịch COVID-19 giữa các đơn vị có liên quan, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật phòng chống cũng như tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực như phác đồ điều trị, nghiên cứu và phát triển vaccine. Sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản khi đối diện với đại dịch COVID-19 lần này đã chứng minh 3 nước là cộng đồng chung vận mệnh đối phó với tai họa bất ngờ.

Những nỗ lực của Trung Quốc để chống lại đại dịch COVID-19 đã nhận được sự đánh giá cao và hỗ trợ từ các nước ASEAN. Cùng chiến thắng dịch bệnh đã trở thành cơ hội quan trọng để Trung Quốc và các nước ASEAN tăng cường đoàn kết, hợp tác và thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN.

Một mặt, sự thăm hỏi và hỗ trợ của ASEAN đã củng cố niềm tin để Trung Quốc chiến thắng dịch bệnh. Mặt khác, Trung Quốc và ASEAN đã tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, nâng cao công tác quản lý y tế cộng đồng trong khu vực.

Tại Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch COVID-19, ngoài bày tỏ ủng hộ và thăm hỏi, ASEAN đã đạt được đồng thuận với Trung Quốc về việc cùng đối phó với dịch COVID-19 và làm giảm những tác động tiêu cực thông qua tăng cường kết nối, cùng phòng ngừa và kiểm soát, thiết lập cơ chế hợp tác có hiệu quả lâu dài, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển…

Hơn nữa, vào thời điểm này, các chuyên gia y học lâm sàng của ASEAN và Trung Quốc cũng đã tổ chức hội nghị trực tiếp, trọng điểm là tiến hành trao đổi hiệu quả của các phác đồ và kinh nghiệm điều trị. Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, ông Đặng Tích Quân khẳng định Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc để cùng có những đóng góp cho khu vực và thế giới chiến thắng đại dịch COVID-19.

Cộng đồng lợi ích là điều kiện tiên quyết để xây dựng cộng đồng chung vận mệnh. Sự trao đổi tích cực giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN xoay quanh dịch COVID-19, đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Trung Quốc, đã phản ánh sâu sắc sự đồng cam cộng khổ dựa trên cộng đồng lợi ích, có lợi cho việc thúc đẩy vững chắc tiến trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Đông Á.

Tuy nhiên, về lâu dài, sự hạn chế của nó sẽ ngày càng nổi bật, việc xây dựng cộng động chung vận mệnh Đông Á được coi là vấn đề chiến lược, trong đó vẫn tồn tại những vấn đề chiến lược ăn sâu bén rễ như cạnh tranh địa chính trị cần được giải quyết.

Một mặt, cấu trúc lợi ích cùng chung hoạn nạn đã thúc đẩy các bên đi sâu hợp tác, lấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh làm định hướng hợp tác. Thứ nhất, trao đổi nhân viên quy mô lớn sẽ gây ra rủi ro dịch bệnh lây lan. Thứ hai, đồng tâm hiệp lực có thể giúp làm giảm tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Thứ ba, có lợi cho Trung Quốc thể hiện hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, đồng thời biến khủng hoảng thành cơ hội, thúc đẩy sự trao đổi giữa người dân các nước trong khu vực, tạo ra và dẫn dắt các điểm tăng trưởng mới cho hợp tác Đông Á. Thứ tư, Nhật Bản gửi gắm nhiều hi vọng vào Thế vận hội Tokyo 2020, nhưng phải trì hoãn thêm 1 năm nên nước này cũng đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 để không phải trì hoãn thêm. Mặt khác, lợi ích do dịch COVID-19 tạo ra đối diện với nhiều hạn chế. Một là, chịu sự tác động của cuộc tranh giành địa chính trị nội bộ của các nước. Hai là, sự hợp tác xung quanh công tác phòng, chống dịch COVID-19 có tính cấp bách và thích nghi tạm thời tương đối lớn.

Để tiếp tục tiến trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Đông Á, ngoài việc sớm chiến thắng đại dịch COVID-19 ở trong nước, khôi phục trật tự bình thường, năng lực sản xuất thiết bị bảo hộ y tế và thuốc men hỗ trợ cho nước ngoài, Trung Quốc cần tiếp tục sử dụng các kênh song song và các cơ chế như hợp tác Trung – Nhật – Hàn, ASEAN+1, ASEAN+3, có trách nhiệm cao trong việc cùng phòng ngừa và kiểm soát, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và nghiên cứu khoa học, và phải có những đóng góp đặc biệt cho việc thiết lập hệ thống đối phó và quản lý y tế công cộng hoàn chỉnh hơn.

Trên cơ sở tiếp tục tăng cường sự ràng buộc lợi ích (đặc biệt là xây dựng chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng khu vực ổn định), thúc đẩy giao lưu hữu nghị nhân dân, Trung Quốc còn phải tuân thủ nguyên tắc cùng thắng cùng chia sẻ, bao dung học hỏi, hiệp thương hợp tác, lấy góc nhìn đa chiều, đa nguyên và vượt qua thời gian để tìm kiếm câu trả lời mới và đáp án giải quyết vấn đề khó khăn an ninh truyền thống ở khu vực Đông Á. Những điều này sẽ thành tài sản quý giá trong thực tiễn xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.

Hải Hà (tổng hợp)
.
.
.