COP25 khép lại với kết quả “đáng thất vọng”

Thứ Ba, 17/12/2019, 09:12
Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, đã kết thúc ngày 15-12 với kết quả được cho là khá khiêm tốn khi một loạt nước không đồng ý tăng cường nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu.


Hội nghị thượng đỉnh tại Madrid trước đó được lên kế hoạch kết thúc ngày 13-12, tuy nhiên, được kéo dài thêm hai ngày. 

Diễn ra khi toàn thế giới đã và đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt, các cuộc đàm phán COP25 lần này được xem là một cuộc thử ý chí tập thể của các chính phủ trước lời khuyên của các nhà khoa học về cắt giảm khí thải nhà kính đang tăng chóng mặt, ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu khỏi tăng đến mức “không thể đảo ngược”. 

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh đói ăn và hơn 20 triệu người có thể buộc phải rời khỏi nơi ở do tác động của biến đổi khí hậu. 

Hội nghị COP25 kết thúc với kết quả không như kỳ vọng trong khi nhiều người biểu tình môi trường mong đợi nhiều cam kết táo bạo. Ảnh minh họa: Reuters
Trong khi đó, giới khoa học liên tiếp đưa ra hàng loạt bằng chứng về những tác động khắc nghiệt hơn của biến đổi khí hậu trong tương lai gần khi tính tới nay, nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm 1 độ C và đang trong lộ trình để tăng thêm 2 hoặc 3 độ C nữa vào năm 2100. 

Hàng triệu nhà hoạt động trẻ tuổi đã tổ chức các cuộc tuần hành hằng tuần nhằm yêu cầu các kế hoạch hành động cụ thể.

Tuy nhiên, từ bản dự thảo kết luận cho thấy, Hội nghị chỉ tán thành một tuyên bố khẩn cấp về việc thu hẹp khoảng cách hiện có giữa các cam kết về khí thải và các mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận chung Paris về khí hậu năm 2015. 

Việc Hội nghị kết thúc với một tuyên bố chung chung thực sự gây thất vọng. Khi các đoàn đàm phán rời Madrid, những vấn đề mấu chốt được nêu trước Hội nghị như cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon, vẫn chưa có câu trả lời. 

Ngoài ra, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của những hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Thậm chí, các nước cũng không thống nhất được rằng liệu những khoản tiền như vậy có hợp lý và cần thiết hay không.

Nhiều nước đang phát triển và các nhà vận động môi trường muốn thấy được nhiều tuyên bố rõ ràng hơn, các nước đệ trình những cam kết táo bạo hơn về vấn đề khí thải khi tiến trình của Thỏa thuận Paris bước vào giai đoạn thực thi quan trọng vào năm tới. Các nước “chủ chốt” như Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia và Mỹ đã không đưa ra cam kết hành động đáng chú ý nào. 

Mỹ bị coi là “bên phá đám” khi tham gia Hội nghị mà không thực sự thiện chí, nhất là khi Washington đã chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Thỏa thuận Paris. 

Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước xếp thứ nhất và thứ tư về lượng khí thải, tuyên bố không thấy cần phải cắt giảm hơn nữa so với mục tiêu đã đề ra, thay vào đó, nhấn mạnh “trách nhiệm lịch sử” của những nước phát triển trong việc cung cấp tài chính cho các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Trong khi đó, Mỹ, Australia và Saudi Arabia cũng khẳng định không điều chỉnh cam kết hạn chế lượng khí thải.

Giới chuyên gia đánh giá Hội nghị lần này kết thúc mà không đạt được kết quả như kỳ vọng nhằm ngăn chặn kịch bản một thế giới bị tình trạng nóng lên toàn cầu tàn phá. 

Thay vì gửi đi một thông điệp rằng các chính phủ sẽ sẵn sàng với những mục tiêu gấp đôi những gì được nêu ra trong Thỏa thuận Paris, trên thực tế, ngay cả khi áp lực đã gia tăng, Hội nghị lần này vẫn chứng kiến sự chia rẽ vốn có giữa các quốc gia phát triển từng là nguồn thải khí nhà kính chủ đạo và các quốc gia đang phát triển là nguồn thải chính ở thời điểm hiện tại. 

Hai bên không thể tìm tiếng nói chung về vấn đề bên nào nên cắt giảm khí thải, với con số cụ thể là bao nhiêu và làm thế nào để phân chia gánh nặng hàng nghìn tỷ USD cần thiết giúp con người có thể thích ứng với một thế giới đang bị biến đổi khí hậu hoành hành. 

Những tranh cãi không hồi kết này đã kéo dài hơn ba năm qua và vẫn bế tắc tại Madrid cho thấy tham vọng để các nước tiến tới cam kết cắt giảm khí thải sâu hơn nữa thực sự xa vời. 

Trong khi các quốc gia lớn còn lúng túng thì chính Liên minh châu Âu, những quốc đảo nhỏ và những quốc gia ít phát thải nhất lại nổi lên như nguồn động lực cho các kế hoạch cắt giảm carbon tự nguyện. 

“Những cuộc đàm phán phản ánh việc lãnh đạo các nước thiếu liên kết thế nào với những số liệu khoa học đáng báo động và việc người dân xuống đường yêu cầu hành động. Họ cần thức tỉnh vào năm 2020”, Helen Mountford đến từ Viện Tài nguyên Thế giới cho biết. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ thất vọng với kết quả của hội nghị lần này và cho rằng cộng đồng quốc tế đã mất đi một cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn trong việc xoa dịu, thích ứng và chuẩn bị nguồn tài chính để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Những gì diễn ra trong và sau khi COP 25 kết thúc đang trái ngược với “bầu không khí sôi sục” của phong trào biểu tình chống biến đổi khí hậu hay những thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra. 

Việc thiếu đi một kết quả mạnh mẽ để củng cố Thỏa thuận Paris sẽ làm gia tăng gánh nặng lên Hội nghị tiếp theo, dự kiến tổ chức tại Glasgow vào tháng 11 năm sau. 

Với tư cách chủ nhà, chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với thử thách thuyết phục các nước đệ trình các kế hoạch tham vọng hơn về cắt giảm lượng khí thải carbon.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.