Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông – nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh, ổn định cho khu vực

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:16
Ngày 6-8, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ dự kiến thông qua dự thảo khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Đây được coi là bước đi quan trọng để thực hiện quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm xây dựng một khu vực hòa bình và hợp tác.


Nguồn tin từ hãng ABS-CBN News cho hay, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã có những thông tin cụ thể về việc này, bởi lẽ, cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Philippines (PICSS) ở thành phố Pasay, phía Nam thủ đô Manila, trong khuôn khổ Tuần lễ Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 50. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila hôm 31-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar khẳng định, dự thảo khung COC đã được các quan chức cao cấp của ASEAN và Trung Quốc thông qua hồi tháng 5 năm ngoái, trong một cuộc họp tổ chức tại tỉnh Quý Châu, thuộc Tây Nam Trung Quốc. Khi đó, các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc đã thiết lập thông số cho một thỏa thuận cuối cùng và chi tiết hơn trong tương lai. 

Ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng các đảo nhân tạo nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Ảnh: CSIS

"Từ năm ngoái, chúng tôi đã cam kết rằng ASEAN-Trung Quốc sớm hoàn thành khuôn khổ này và đây là bước đi quan trọng để thực hiện quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, sau khi dự thảo khung được thông qua, quá trình phê duyệt được hoàn thành thì các cuộc đàm phán về COC sẽ được bắt đầu một cách nghiêm túc", ông Robespierre Bolivar nhấn mạnh. 

Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, khuôn khổ đề xuất cho COC không chỉ ràng buộc về mặt pháp lý, mà còn có tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, ông Robespierre Bolivar cũng cho biết thêm rằng, khuôn khổ này có thể không bao gồm phán quyết của Tòa án trọng tài biển về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc.

Vậy COC là gì? Theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông được viết tắt là COC theo 3 từ tiếng Anh "Code of Conduct". COC (nếu được ký kết) có thể được coi là một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý để điều chỉnh mọi mối quan hệ đang diễn ra trên Biển Đông.

Với tất cả những quy định pháp lý đủ để điều chỉnh có hiệu quả mọi quan hệ, tranh chấp diễn ra trên Biển Đông, COC có thể được coi là một bộ luật biển khu vực, trong đó có những nội dung hết sức quan trọng và phức tạp như: phạm vi điều chỉnh, chủ thể khách thể điều chỉnh… 

Các nội dung của COC và việc triển khai thực hiện COC phải tuân thủ nguyên tắc của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á (SEANWFZ), 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, kế thừa các quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, các nguyên tắc phổ biến của luật quốc tế đã được thừa nhận. Đồng thời COC phải thiết lập các nguyên tắc chung về việc không sử dụng bạo lực, tránh đe dọa, ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết những va chạm xung quanh việc khai thác và đánh bắt trên biển, đảm bảo an toàn trên biển. Các quốc gia ký kết COC cần xem xét thành lập hệ thống tổ chức, lực lượng thực thi pháp luật. Ví dụ như phải thành lập ra Cơ quan An ninh hàng hải (MSA) để kiểm soát và quản lý các mối đe dọa an ninh hàng hải và đảm bảo tuân thủ nghiêm túc COC; Cơ quan điều phối các lực lượng cảnh sát biển của các quốc gia liên quan…

Cũng theo TS Trần Công Trục thì quá trình xây dựng COC cần phải được tính từ năm 2002 khi các nước ASEAN và Trung Quốc ký DOC tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Bởi lẽ khi đó, để hiện thực hóa các quy định của DOC, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thành lập hai cơ chế là: Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về DOC (SOM ASEAN - Trung Quốc) và Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC (ACJWG). 

Theo Quy chế làm việc, ACJWG được giao nhiệm vụ đề xuất lên SOM ASEAN - Trung Quốc các khuyến nghị liên quan trong các lĩnh vực mà DOC đã đề cập và xây dựng Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC. Từ năm 2005 đến nay, Nhóm Công tác chung đã tổ chức 6 cuộc họp; trong đó, cuộc họp lần thứ tư tại Hà Nội (tháng 4-2010), cuộc họp lần thứ năm tại Côn Minh, Trung Quốc (tháng 12-2010) và cuộc họp lần thứ sáu tại Indonesia (tháng 4-2011). 

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc (22-7-2011), hai bên đã thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC. Năm 2010, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC; đồng thời hướng tới thông qua COC trên cơ sở đồng thuận; qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; hoan nghênh những tiến triển đạt được trong lĩnh vực này trong thời gian vừa qua. 

Hai năm sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông” nêu rõ, thực hiện đầy đủ DOC (năm 2002), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (năm 2011) và sớm đạt được COC; Tuyên bố cũng coi đây là bước đi cấp thiết trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội vào năm 2015. 

Cũng từ đây, quá trình đàm phán xây dựng COC bắt đầu được thúc đẩy mạnh hơn, nhất là trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp tại Biển Đông. Đáng chú ý, cộng đồng quốc tế rất quan tâm, ủng hộ việc ASEAN-Trung Quốc ký kết COC. Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Ấn Độ đều kêu gọi ASEAN-Trung Quốc sớm ký kết Bộ Quy tắc này, coi đây như là một trong những giải pháp hữu hiệu để điều chỉnh và giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trên Biển Đông.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.