Bảo vệ các nhà báo trước hiểm nguy

Thứ Sáu, 03/11/2017, 09:02
Các con số thống kê cho thấy, chỉ riêng trong năm 2017, hơn 30 nhà báo trở thành nạn nhân và thiệt mạng trong các vụ tấn công có chủ đích. Đó là chưa kể đến 24 nhà báo khác thiệt mạng vì tên bay đạn lạc trong khi đang tác nghiệp tại các vùng đất nguy hiểm hoặc khu vực có chiến tranh.


Ngày 2-11, Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức kỷ niệm ngày bảo vệ các nhà báo trên thế giới. Các con số thống kê cho thấy, chỉ riêng trong năm 2017, hơn 30 nhà báo trở thành nạn nhân và thiệt mạng trong các vụ tấn công có chủ đích. Đó là chưa kể đến 24 nhà báo khác thiệt mạng vì tên bay đạn lạc trong khi đang tác nghiệp tại các vùng đất nguy hiểm hoặc khu vực có chiến tranh.

Hai phóng viên đặc biệt của LHQ Agnes Callamard và David Kaye hôm 1-11 đã cảnh báo rằng thế giới đang chứng kiến một cuộc đụng độ với các nhà báo và cần thiết phải có một cuộc "tổng tiến công" với sự tham gia của các quốc gia nhằm chống lại những kẻ mang mục đích phá hoại vai trò giám sát của báo chí. 

Theo lập luận của hai phóng viên này, đây là điều quan trọng và cần thiết cho xã hội dân chủ bởi các vụ tấn công vào phóng viên, nhà báo đang ngày càng phổ biến và trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. 

Thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) cho thấy, tính đến ngày 2-11, số lượng nhà báo, phóng viên điều tra thiệt mạng do bị giết tại khắp nơi trên thế giới là 54 người. Các vụ sát hại nhà báo chủ yếu xảy ra tại Mexico, Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Yemen. Tính tổng cộng, trong vòng 25 năm qua, hơn 2.300 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trên toàn thế giới. 

IFJ cũng đã đưa ra một danh sách gồm 12 quốc gia trở thành nơi nguy hiểm đối với các nhà báo trong đó Nigeria đang trở thành điểm nóng với vụ sát hại nhà báo, nhà quay phim Zakariya Isa thuộc đài truyền hình quốc gia Nigeria NTA. 

Hiện trường vụ sát hại nữ nhà báo điều tra ở Malta Daphne Caruana Galizia. Ảnh: Getty

Cũng theo IFJ thì điều đáng lo ngại nhất hiện nay không chỉ là số lượng nhà báo bị sát hại gia tăng mà là hiện tượng các nhà báo tại các quốc gia vốn nổi tiếng yên bình lại bị chết một cách bí ẩn. Phần lớn các nhà báo bị thiệt mạng là những người phụ trách về các vấn đề chính trị, nhân quyền, tham nhũng. 

Trường hợp nữ nhà báo nổi tiếng ở Malta Daphne Caruana Galizia bị đánh bom xe là một điển hình. 

Trước đó 8 tháng, hai nhà báo người Dominican tên là Leo Martinez và Luis Medinacũng đã bị bắn chết và bị thương khi đang phát sóng trực tiếp chương trình phát thanh “Thiên niên kỷ nóng” trên mạng xã hội Facebook. Nguyên do được xác nhận là vì hai nhà báo này đang theo đuổi cuộc điều tra liên quan đến vấn nạn ô nhiễm tại hồ Laguna Mallen ở San Pedro. 

Hay như nhà báo, nhà văn Javier Valdez bị sát hại ở Mexico khi vừa mới rời tòa soạn tuần báo Riodoce ở Culiacan, thủ phủ bang Sinaloa ở miền Bắc Mexico được vài mét đã bị một nhóm kẻ bịt mặt bắt cóc. 

Vụ việc xảy ra hồi tháng 5 năm ngoái và Javier Valdez khi đó là đặc phái viên của nhật báo La Jornada, cộng tác viên của hãng AFP, nổi tiếng với các bài báo, sách viết về buôn lậu ma túy và nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Tuần báo Riodoce được ông thành lập cách đây 14 năm với nhiệm vụ đăng tải các bài điều tra về băng nhóm ma túy…

Theo Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ), điều tra là một hình thức báo chí trong đó các phóng viên thực hiện mảng này thường điều tra sâu vào một chủ đề quan tâm đơn lẻ như tội ác nghiêm trọng, tham nhũng chính trị hoặc hành động sai trái của công ty. 

Một phóng viên điều tra có thể tốn nhiều tháng hoặc nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị một phóng sự điều tra của mình và họ có thể sử dụng một hoặc nhiều công cụ để thực hiện công việc như phân tích các tài liệu, theo đuổi vụ kiện, nghiên cứu các văn bản pháp luật, gặp gỡ nhân chứng hoặc tiến hành điều tra riêng như một điều tra viên… Nguy hiểm là vậy nhưng chế tài để bảo vệ các phóng viên, nhà báo điều tra lại chưa có nhiều. 

Giám đốc Ban vận động của CPJ, bà Courtney Radsch nói: “Cái đáng lo ngại nhất hiện nay không chỉ là số lượng nhà báo bị sát hại gia tăng mà là hiện tượng các phóng viên điều tra tại các quốc gia vốn nổi tiếng yên bình lại bị chết một cách bí ẩn. Phần lớn các nhà báo, phóng viên bị thiệt mạng là những người phụ trách về các vấn đề chính trị, nhân quyền, tham nhũng”. 

Báo cáo của CPJcòn chỉ ra rằng, 2 năm trước, tức vào năm 2015, 71 nhà báo đã thiệt mạng trong đó 69% chết vì bị giết hại, 24% là do xung đột và chỉ 7% là vì tham gia nhiệm vụ nguy hiểm. Đáng chú ý là vụ việc của 69% trường hợp chết vì bị giết hại đó đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. 

Báo cáo của CPJ có đoạn viết: “Thất bại trong việc ngăn chặn các vụ tấn công nhà báo có nghĩa là các chính phủ và quan chức các quốc gia đang tước khỏi người dân quyền cơ bản được tiếp nhận thông tin, còn những kẻ tấn công hay chủ mưu thì tồn tại và tin rằng sẽ không thể bị bắt”. 

Vì thế, để bảo vệ các nhà báo, các tổ chức, liên đoàn báo chí trên thế giới cùng chính phủ các nước phải mạnh tay hơn nữa đối với tệ nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực đồng thời hỗ trợ tối đa cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp. 

Tháng 3 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã xuất bản một cuốn sách dành riêng cho các nhà báo của Giáo sư Jean-Paul Marthoz có tựa đề "Khủng bố và báo chí: Cẩm nang nghề báo" (Terrorism and the Media: A Handbook for Journalists). 

Ngoài việc giới thiệu những bí quyết hay trong khi tác nghiệp cho các nhà báo như thận trọng khi tuyên truyền các thông điệp hay thực hiện phỏng vấn với khủng bố, thì ấn phẩm này cũng dành hẳn một chương riêng chia sẻ về các vấn đề liên quan tới sự an toàn của giới báo chí khi tác nghiệp.

Tháng 11 năm 2013, hơn 70 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của LHQ lấy ngày 2-11 là Ngày quốc tế Bảo vệ các nhà báo, đồng thời kêu gọi các quốc gia LHQ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực nhằm vào các nhà báo cũng như thực thi các hoạt động điều tra công bằng, nhanh chóng và hiệu quả đối với các vụ tấn công nhằm vào các nhân viên của các công ty truyền thông. 

Ngày 2-11 là ngày hai nhà báo Ghislaine Dupont và Claude Verlon của Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) bị các phiến quân Hồi giáo tại Mali bắt cóc và sát hại khi đang tác nghiệp. Pháp luật quốc tế từ lâu đã có các quy định nhằm bảo vệ nhà báo, nghề báo được ghi nhận trong Công ước Hague (năm 1899) và Công ước Geneva (năm 1929) về đối xử với tù binh chiến tranh, trong đó có nhà báo.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.