Anh khủng hoảng ngoại ngữ vì "ỷ lại" vào tiếng Anh

Thứ Năm, 04/01/2018, 13:31
Truyền thông Anh ngày 4-1 (giờ Việt Nam) đưa tin, mặc dù cả thế giới đã, đang và sẽ học thứ ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh nhưng chính nước Anh đang gặp khủng hoảng trong hệ thống giảng dạy ngoại ngữ. 
Nước Anh cần cải tổ hệ thống ngoại ngữ để tránh tụt hậu sau Brexit. Ảnh: Internet. 

Theo đó, một nhóm nghiên cứu gồm 26 chuyên gia ngôn ngữ đã chỉ ra rằng, nếu nước Anh không cải tổ mạnh mẽ hệ thống dạy ngoại ngữ đang trong tình trạng đáng báo động hiện nay, thì việc tụt hậu trên thị trường toàn cầu trong giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) là hoàn toàn có khả năng. 

Nhóm tác giả này cho rằng tham vọng “Nước Anh toàn cầu” sau Brexit chỉ có thể trở nên khả thi nếu Xứ sở Sương mù từ bỏ thái độ ỷ lại vào sự phổ biến của tiếng Anh để trở thành một đất nước của nhiều người thông thạo ngoại ngữ. 

Liệu tham vọng "Nước Anh toàn cầu" sẽ khả thi nếu Anh tiếp tục ỷ lại vào tiếng Anh. Ảnh: Getty. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ thì việc giảng dạy và đào tạo ngôn ngữ của các nhóm kinh tế mới nổi là cấp thiết, giúp mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế ra toàn cầu sau Brexit. 

Cụ thể là nước này cần tăng cường các thứ tiếng thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với 2/3 dân số thế giới hay nhóm các nước CIVETS (gồm Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ). 

Họ cũng đề xuất Chính phủ Anh giảm thuế cho doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên, đồng thời các bộ ngành của nước này cần học tập chính sách của quân đội Anh trong việc hỗ trợ tài chính cho quân nhân có khả năng về ngoại ngữ. 

Giáo sư Michael Kelly, người được phong tước Hiệp sỹ năm 2014 nhờ những đóng góp trong giáo dục của nước Anh cho rằng khả năng ngoại ngữ và sự am hiểu những giá trị văn hóa của một quốc gia khác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh nước Anh cần vươn ra khỏi châu Âu để xác định tương lai cho mình.

Linh Đan (TH)
.
.
.