Anh "thẳng tay" tước quyền công dân đối tượng từng tham gia IS

Thứ Tư, 20/02/2019, 14:49
The Guardian ngày 20-2 đưa tin, cô gái có tên Shamima Begum, người từng rời Anh gia nhập tổ chức Hồi giáo Nhà nước (IS) tự xưng ở Syria, đã bày tỏ nguyện vọng được hồi hương. Nhưng, Bộ Nội vụ Anh đã từ chối.

Cuộc tranh cãi xoay quanh Shamima Begum, một nữ đối tượng từng sinh sống ở phía đông thủ đô London và rời nước Anh năm 2015 để gia nhập tổ chức IS, đã có bước ngoặt lớn sau khi Bộ Nội vụ Anh yêu cầu tước quyền công dân của Begum.

Begum mới 15 tuổi khi nữ đối tượng này rời bỏ gia đình ở Bethnal Green và hiện đang ở trong một trại tị nạn ở Syria, nơi cô sinh hạ một bé trai vào cuối tuần trước. Đối tượng này cũng từng kết hôn với một thành viên IS tại Syria.

Chân dung Shamima Begum, người từng rời Anh gia nhập tổ chức Hồi giáo Nhà nước (IS) tự xưng ở Syria. Ảnh: Reuters

Gần đây, cô được một nhà báo của tờ London Times tìm thấy trong trại tị nạn ở Syria. Cô gái 19 tuổi đã kêu gọi sự cảm thông từ người dân Anh và bày tỏ nguyện vọng được phép quay trở lại Vương quốc Anh. 

Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với trường hợp của Begum, đồng thời khẳng định ông sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để ngăn cô quay trở lại.

Lá thư được Bộ Nội vụ Anh gửi đến gia đình Begum và được đăng tải trên ITV News nêu rõ: "Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là sẽ tước quyền công dân Anh đối với cô Shamima Begum. Quyết định được đưa ra vào ngày 19-2 và lệnh tước quyền công dân Anh sẽ được thực hiện sau đó".

Quyết định của Bộ Nội vụ Anh đã khiến gia đình Begum vô cùng thất vọng. The Guardian cho biết, nhiều khả năng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý với gia đình Begum, sau khi luật sư gia đình này cho biết họ sẽ "xem xét tất cả các biện pháp pháp lý để thách thức lại quyết định này".

Anh cũng như nhiều nước châu Âu khác đều đang đối mặt với những luồng ý kiến đầy chia rẽ về việc có nên cho phép các công dân từng tham chiến cho IS và những đối tượng ủng hộ IS hồi hương để đưa ra xét xử hay không, do lo ngại vấn đề an ninh.

Lam Ninh
.
.
.