Anh khởi động việc sửa đổi luật để thực hiện Brexit

Thứ Tư, 13/09/2017, 10:56
Với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống, Quốc hội Anh đã phê chuẩn dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 13 giờ bàn thảo. Đây là một bước đi mang tính lịch sử và là bước tiếp theo trong quá trình thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6 năm 2016 về việc Anh rời khỏi EU.


Hãng tin Independent của Anh cho hay, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hôm 11-9 là một động thái rất quan trọng đối với chiến lược rút khỏi EU của Chính phủ Anh. Cuộc bỏ phiếu này hướng tới bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (European Communities Act- ECA) - bộ luật có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh. Dự luật rút khỏi EU là một trong 7 phần quan trọng liên quan đến luật pháp mà Chính phủ Anh cần Quốc hội thông qua nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình Brexit. 

Theo tin từ hãng The Guardian, dự luật này cho phép chính phủ sửa đổi tới 12.000 quy định và luật của EU để đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh. Nhưng thế vẫn chưa đủ, Quốc hội Anh còn có hai  nhiệm vụ quan trọng hơn rất nhiều. 

Alan Renwick, Phó Giám đốc của Constitution Unit cho rằng, thứ nhất, nhiều bộ luật đã được thông qua trong 40 năm qua nhằm thực thi các điều kiện được yêu cầu trong tư cách thành viên EU. Quốc hội Anh sẽ cần phải xem xét lại, sửa đổi hoặc bãi bỏ các nhóm luật này trong hoặc sau quá trình rút khỏi EU. Thứ hai là các quy định của EU đang được áp dụng trực tiếp tại Anh mà không có các văn bản pháp luật quốc gia quy định về việc thi hành, sẽ tự động mất hiệu lực sau khi ECA bị bãi bỏ. Nhưng trên thực tế, việc duy trì một số quy định như vậy là thiết yếu, ít nhất là trong ngắn hạn, nếu không nước Anh sẽ thiếu đi những quy định về nhiều vấn đề quan trọng.

Các cuộc tuần hành, biểu tình của người dân chống lại Brexit vẫn tiếp diễn trên đường phố Thủ đô London. Ảnh: AP

Lấy ví dụ về việc phần lớn các hoạt động thương mại diễn ra trong Thủ đô London chỉ qua một đêm có thể trở thành bất hợp pháp nếu những điều khoản mới không được thiết lập, ông Alan Renwick nhấn mạnh đến quá trình xem xét lại các đạo luật này, quyết định luật nào nên được giữ lại, luật nào nên được sửa đổi hoặc bãi bỏ. Nếu làm được như vậy thì sẽ rất tốn thời gian, phức tạp, gây nhiều tranh cãi thậm chí có thể có cả sự phản đối của Công đảng nhưng lại củng cố cho việc thực hiện Brexit thành công. 

Bản thân Thủ tướng Anh Theresa May trong nhiều cuộc họp trước đó cũng đã nhấn mạnh rằng, dù vẫn còn nhiều việc phải làm, song Chính phủ Anh muốn tiếp tục các cuộc đàm phán Brexit dựa trên nền tảng vững chắc. 

Giới quan sát nhận định, mặc dù trong vòng 8 ngày tới, dự luật này sẽ tiếp tục được thảo luận tại Quốc hội và được thông qua lần cuối, song chiến thắng hôm 11-9 của chính phủ đã khích lệ tinh thần hợp tác giữa các đảng phái ở Anh. 

Hiện tại, đảng Bảo thủ của bà Theresa May đang liên minh với đảng Liên minh Dân chủ (DUP), đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland và dự định sẽ kéo theo sự ủng hộ của một số đảng khác ngoài Công đảng. Nữ Thủ tướng Anh cũng đang tiếp tục kêu gọi các nghị sĩ thuộc mọi đảng phái ở Anh cùng hợp tác trong việc ủng hộ dự luật rút khỏi EU này.

Trên thực tế, cho đến nay, cả hai phe trong chiến dịch vận động Brexit ở Anh đều đồng tình rằng, toàn bộ quá trình rời bỏ EU của quốc gia này sẽ phải mất nhiều năm và trong thời gian đó, Anh vẫn tiếp tục là thành viên của EU. 

Quan điểm của phe ở lại EU là các cuộc thương thảo sẽ rất tốn thời gian còn phe Brexit thì muốn kết thúc quá trình này vào năm 2020. Các điều kiện của việc Anh rút khỏi EU và tính chất của mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai nhiều lần được đề ra thông qua các cuộc thương lượng với 27 nước thành viên còn lại, theo đúng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. 

Quốc hội Anh tuy không có tiếng nói chính thức nào về việc có viện dẫn Điều 50 hay không nhưng vẫn có thể bỏ phiếu liên quan đến thỏa thuận rời bỏ EU. Vì thế, các thành viên Quốc hội muốn được cập nhật thường xuyên về các cuộc đàm phán và muốn quan điểm của họ phải được lắng nghe, có thể là thông qua các cuộc bỏ phiếu về các vấn đề cụ thể.

Về phía EU, Trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier tuyên bố sẵn sàng đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, song vẫn bày tỏ quan ngại về những đề xuất của London, đặc biệt liên quan đến vấn đề biên giới với Ireland. 

Ông cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Anh đối với vấn đề này khi cáo buộc London muốn EU "ngừng áp dụng các luật lệ, liên minh hải quan, thị trường chung duy nhất tại khu vực sẽ là đường biên giới mới bên ngoài của EU". 

Đặc biệt, tại vòng đàm phán thứ 3 giữa Anh và EU diễn ra hồi cuối tháng 8 tại Brussels, hai bên còn có mâu thuẫn về "tiền chia tay" khi EU đòi hỏi Anh phải trả số tiền cam kết  từ 60-100 tỷ Euro còn London thì từ chối.

Phan Hiển
.
.
.