Ấn định thời gian và địa điểm diễn ra Thượng đỉnh liên Triều lần 3

Thứ Ba, 14/08/2018, 08:27
Sáng 13-8, tại làng đình chiến Panmunjom, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu đàm phán cấp cao nhằm thảo luận về công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. 

Theo thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai bên đã quyết định tổ chức cuộc gặp trên vào tháng 9 tới tại Thủ đô Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu sau cuộc gặp sáng 13-8, ông Cho Myoung-gyon, Bộ trưởng Bộ Thống nhất - Trưởng phái đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo ở Bình Nhưỡng sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên thông qua việc hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. 

Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều sáng 13-8. Ảnh: CDT.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã có các cuộc gặp diễn ra hồi tháng 4 và tháng 5 tại làng đình chiến Panmunjom, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra vào mùa Thu năm nay tại Bình Nhưỡng. 

Nếu như Tổng thống Moon Jae-in tới Triều Tiên, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới đây trong hơn một thập kỷ qua.

Ngay trước thềm cuộc gặp, hôm 12-8, truyền thông CHDCND Triều Tiên đã chỉ trích Hàn Quốc về sự thiếu tiến triển trong việc thực hiện Tuyên bố Panmunjom đạt được trong cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 27-4, trong đó hai bên nhất trí hành động hướng tới một nền hòa bình lâu dài và hợp tác kinh tế. 

Trang mạng tuyên truyền đối ngoại Uriminzokkiri của CHDCND Triều Tiên bình luận rằng, Hàn Quốc cần hành động tích cực hơn để cải thiện quan hệ liên Triều theo tinh thần của Tuyên bố Panmunjom, và đánh giá “sự phục tùng mù quáng” của Seoul đối với các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện tuyên bố này. 

Trang mạng Uriminzokkiri nêu rõ: “Đã hơn 100 ngày kể từ khi Tuyên bố Panmunjom được thông qua, song chưa đạt được thành quả hay tiến triển nào. Đó là bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự tham gia không đúng đắn của Hàn Quốc vào các lệnh trừng phạt này”. 

Trước đó, hôm 8-8, Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Seoul đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố Panmunjom và làm ảnh hưởng đến không khí hòa giải ở vùng biên giới giữa hai nước trong một động thái phản đối cuộc Đối thoại Quốc phòng chung Hàn Quốc-Mỹ (KIDD) lần thứ 14 diễn ra tại Thủ đô Seoul cuối tháng 7 vừa qua. 

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nhận định cuộc họp trên cũng như kế hoạch cải cách quân đội của Seoul là hành động gây hấn quân sự, “đi ngược lại xu hướng đối thoại, hòa bình và cải thiện quan hệ liên Triều”. 

Tờ báo cho rằng, các hành động này mâu thuẫn với tình dân tộc đã “tạo ra những nỗ lực chân thành vì hòa bình và giảm căng thẳng” và xung đột trực tiếp với tinh thần của Tuyên bố Panmunjom, thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại một sự kiện ở Thủ đô Seoul ngày 13-8, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris khẳng định việc Mỹ nhất trí tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên sẽ diễn ra trong thời gian sớm, song vẫn còn quá sớm để thực hiện điều này bởi Washington và Bình Nhưỡng đang tìm kiếm sự cải thiện trong quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. 

Đại sứ Harris nhấn mạnh Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Hàn Quốc có chung mục tiêu, đó là CHDCND Triều Tiên thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng, và để đạt được điều này cần có sự nỗ lực ngoại giao của các bên.

Đại sứ Mỹ cũng nhắc lại lời kêu gọi Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện cam kết phi hạt hóa đã đưa ra trong cuộc hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in hồi tháng 4 và cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6. 

Ông Harris khẳng định CHDCND Triều Tiên giờ đã có cơ hội để thúc đẩy kinh tế và các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ được dỡ bỏ chỉ khi nước này có bước đi cụ thể và có kiểm chứng hướng tới việc phi hạt nhân hóa. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí sẽ nỗ lực tiến tới ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong năm nay với sự tham gia của hai miền Triều Tiên và Mỹ hoặc có thể là 4 bên gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc. 

Bình Nhưỡng khẳng định động thái này là bước đi đầu tiên để đặt nền tảng cho niềm tin và khởi động một cách nghiêm túc tiến trình phi hạt nhân hóa.

Trước đó, trong một tuyên bố ngày 12-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của các nước liên quan để tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng đóng một vai trò trong các nỗ lực đó, bởi Trung Quốc là một bên quan trọng có liên quan đến các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.