Ấn Độ phản ứng việc Trung Quốc đưa tàu vào EEZ Việt Nam

Thứ Sáu, 30/08/2019, 08:22
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 29-8 đã lên tiếng về việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, vốn được quy định trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 


Trong tuyên bố đưa ra, Người Phát ngôn Raveesh Kumar nêu rõ: "Biển Đông là một phần chung của toàn cầu. Do vậy, Ấn Độ dành mối quan tâm sâu sắc đến hoà bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS". 

Ông Raveesh Kumar đồng thời nhấn mạnh rằng, mâu thuẫn giữa các bên liên quan cần phải được giải quyết một cách hoà bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, tránh đe doạ và sử dụng vũ lực. 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar. Ảnh: Zee News Network. 

Phát biểu của ông Kumar được đưa ra trong bối cảnh Biển Đông xuất hiện dấu hiệu leo thang căng thẳng, khi Trung Quốc hôm 13-8 lại đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, vốn được quy định trong UNCLOS 1982.

Cùng ngày, các nước Pháp, Đức và Anh đã ra một tuyên bố chung về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS, tạo cơ sở cho hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và trên thế giới. Tuyên bố cũng nhắc lại phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, mà Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 đã đưa ra hồi 12-7-2016. 

Theo đó, đây được xem là phán quyết mang tính lịch sử, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, cụ thể là bác bỏ đường lưỡi bò, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò…

Kết lại, tuyên bố chung của Pháp, Đức, Anh kêu gọi và hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), phù hợp với UNCLOS. 

Cho đến nay, nhiều nước lớn và quốc gia trong khu vực như Mỹ, Malaysia, Australia hay Liên minh châu Âu (EU) đều đã bày tỏ quan điểm kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS trên Biển Đông. 

Linh Đan
.
.
.