(NÓNG TRONG TUẦN) Nga-Ukraine căng như dây đàn, Mỹ-Trung "hoãn" chiến tranh thương mại

Thứ Hai, 03/12/2018, 08:10
Thế giới vừa trải qua một tuần nhiều biến động, với việc bùng nổ căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan đến vụ đụng độ gần eo biển Kerch, hay việc cuộc chiến thương mại cam go giữa Mỹ - Trung Quốc bất ngờ được hạ nhiệt...


Bùng nổ căng thẳng Nga - Ukraine

Ngày 25-11, cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine tại eo biển Kerch (nằm giữa biển Đen và biển Azov), gồm 2 tàu chiến, một tàu kéo có tên lần lượt là Berdyansk, Nikopol và Yana Kapu, cùng toàn bộ thuỷ thủ đoàn.

Tàu Ukraine bị bắt với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga. Ảnh: TASS

Nga cáo buộc các tàu này vi phạm lãnh hải Nga, bất chấp cảnh báo từ phía lực lượng chấp pháp của Moscow. Ukraine bác cáo buộc, nói rằng tàu hải quân bị bắt khi bơi ra khỏi lãnh hải Nga.

Sự kiện đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Nga và Ukraine, kéo theo tuyên bố trái ngược của các bên liên quan. Các nước phương Tây cho rằng Nga nên trả tự do cho các thuỷ thủ Ukraine, song Moscow tuyên bố những người này sẽ phải hầu toà trước khi có bất cứ cuộc đàm phán nào.

Vài ngày qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã yêu cầu NATO triển khai tàu quân sự đến biển Azov để hỗ trợ an ninh cho nước mình. Ông còn cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện và ký lệnh thiết quân luật trong 30 ngày tại khu vực giáp Nga, Biển Đen và Biển Azov.

Tuy nhiên, Moscow khẳng định đã làm đúng luật khi bắt giữ tàu Ukraine. Trong các tuyên bố gần đây, Tổng thống Nga Putin nói vụ việc đã được Kiev dàn dựng như một "hành động khiêu khích" có chủ ý và Moscow sẽ không nhượng bộ vì bất cứ lý do gì.

Các bên hiện đều đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraine cùng kiềm chế để thảo luận về vụ việc một cách thiện chí, tránh để bùng nổ xung đột.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt?

Trong một động thái giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhà Trắng ngày 2-12 tuyên bố tạm dừng áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc để tìm kiếm thoả thuận. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận  Bình gặp mặt thượng đỉnh ở Argentina, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Phái đoàn Mỹ-Trung tại cuộc gặp ở Argentina. Ảnh: Reuters

Mỹ ban đầu định áp thuế mức thuế khủng này vào ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, Nhà Trắng sẽ tạm hoãn việc này trong vòng 90 ngày để hai bên làm việc với nhau. "Nếu vào cuối hạn này, hai bên vẫn chưa tìm được một thoả thuận nào thì mức thuế 10% sẽ tăng lên thành 25%", thông báo từ Nhà Trắng có đoạn viết.

Quyết định hòa hoãn được đánh giá là hết sức quan trọng đối với tương lai thương mại toàn cầu này, trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng do cuộc chiến thương mại đã bao trùm lên gần như toàn bộ các sự kiện quốc tế lớn.

Theo Reuters, Trung Quốc đã nhượng bộ ông Trump trong nhiều vấn đề, bao gồm việc đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh dường như cũng chấp nhận thông qua một số thoả thuận mua bán và sáp nhập của giới doanh nghiệp 2 bên, vốn bị cấm sau khi căng thẳng thương mại giữa hai nước bùng nổ cách đây vài tháng.

Thượng đỉnh G20 kết thúc trong đồng thuận

Ngày 30-11, tại Argentina, Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới và đại diện các tổ chức quốc tế. Nhiều người lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như quan điểm trái ngược của Washington trong các vấn đề môi trường, bảo hộ kinh doanh sẽ khiến G20 không thể tìm được tiếng nói chung.

Lãnh đạo G20 chụp ảnh chung. Ảnh: EPA

Nhưng, vượt qua nhiều bất đồng tưởng như không thể giải quyết đó, G20 đã đạt được đồng thuận tương đối với việc thông qua một Tuyên bố chung bao phủ các vấn đề quan trọng.

Trong Tuyên bố chung này, các nhà lãnh đạo thừa nhận thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời đánh giá vai trò quan trọng của sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này.

Tuyên bố chung cũng tái khẳng định vai trò không thể thiếu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như là nhà điều phối chính của các mối quan hệ thương mại, song cũng đặt ra yêu cầu phải sớm cải tổ WTO để tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.

Liên quan tới biến đổi khí hậu, văn kiện được cả 20 nhà lãnh đạo G20 ký vào đã bày tỏ sự lưu ý với tác động từ sự nóng lên của Trái đất theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào các dự án chống lại các tác hại của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường xuyên.

Paris thành "bãi chiến trường" vì biểu tình bạo loạn

Đại lộ Champs Elysees nằm giữa thủ đô Paris, nơi vài tuần trước còn trang nghiêm và sạch sẽ đón hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tới kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I, nay trông không khác bãi chiến trường vì các cuộc biểu tình bạo loạn của phe "áo gile vàng".

Người biểu tình biến thủ đô hoa lệ của nước Pháp thành "bãi chiến trường". Ảnh: AP

Các cuộc biểu tình của phong trào "Áo gile vàng" chống giá xăng dầu tăng cao tiếp tục diễn ra tại Pháp trong tuần qua, đỉnh điểm là các cuộc biểu tình bạo loạn hôm 1-12 đã nhấn chìm nhiều quận của thủ đô nước Pháp trong khói lửa. Hàng ngàn người quá khích đã đập phá nhà cửa và vơ vét đồ đạc, gây nên tình trạng hỗn loạn.

Cảnh sát phải phong tỏa nhiều tuyến đường, đóng cửa các địa điểm du lịch nổi tiếng, dùng tới đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông, khiến ít nhất 110 người bị thương. Khoảng 300 người cũng đã bị bắt vì các hành vi gây rối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người vừa tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, đã lên án cuộc biểu tình, khẳng định bất kỳ ai chống đối cảnh sát, gây hỗn loạn đều "phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình". Ông cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào tối 2-12 để thảo luận về tình hình.

Các quan chức Pháp cho biết Paris có khả năng sẽ sớm ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết triệt để cuộc biểu tình, cũng như các mối nguy về an ninh. Cuộc biểu tình này đã diễn ra suốt 3 tuần qua, khiến giao thông đình trệ, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, với thiệt hại ước lên đến hàng tỷ USD.

Indonesia công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay JT610

Ngày 28-11, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (KNKT) cho biết, chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của hãng Lion Air đã gặp trục trặc trước khi cất cánh trong chuyến bay ngày 29-10 và trong cả chuyến bay ngày 28-10. Đây là thông tin thu được sau quá trình điều tra của ủy ban này về thiết bị ghi âm dữ liệu máy bay thu được dưới đáy biển.

Phần động cơ của chiếc Boeing 737 MAX xấu số. Ảnh: Reuters

KNKT theo đó nói rằng chiếc Boeing 737 MAX trong chuyến bay định mệnh đã chúi mũi khoảng 20 lần. Sau mỗi lần lao xuống, phi công đã cố gắng tìm cách đưa máy bay trở về trạng thái cân bằng nhưng đến phút thứ 13, chiếc máy bay đã rơi xuống với vận tốc hơn 645 km/h.

Hiện cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Cựu Tổng thống Mỹ Bush "cha" qua đời

Ông George Herbert Walker Bush, Tổng thống thứ 41 và là người lèo lái nước Mỹ qua Chiến tranh Lạnh, đã qua đời hôm 30-11 ở tuổi 94 tại nhà riêng. Ông Bush lãnh đạo nước Mỹ từ năm 1988 đến năm 1992, nổi tiếng là một chính trị gia có quan điểm cứng rắn.

Vị Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ từng là phi công hải quân thời Thế chiến 2. Ông được gọi là Bush "cha" bởi con trai cả của ông, George W. Bush, cũng từng là một Tổng thống Mỹ (nắm quyền từ năm 2001 đến năm 2009).

Washington Post nói sự ra đi của ông kết thúc một kỷ nguyên, khi ông là người cuối cùng của thế hệ các cựu binh Thế chiến 2 trở thành Tổng thống. Trong ngày 1-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh treo cờ rủ 30 ngày trên toàn nước Mỹ, đồng thời thông báo ngày 5-12 là ngày Quốc tang Mỹ.

Ông Trump cũng lệnh dùng chuyên cơ Không lực Một đưa thi hài vị Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ từ Houston đến Washington như là một "đãi ngộ đặc biệt" mà ông Bush "cha" xứng đáng nhận. "Không lực Một sẽ đưa tôi và nhiều người nữa quay lại Washington. Sau đó, nó sẽ được chỉnh trang và tiếp tục đến Houston đón quan tài Tổng thống Bush", ông Trump nói.

Theo Guardian, một lễ tưởng niệm dành cho ông Bush "cha" được tổ chức dưới Mái vòm Rotunda ở toà nhà Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol tối 3-12. Sau đó, người dân ở Washington có thể tới viếng tới sáng 5-12, trước khi thi thể được đưa đến Nhà thờ Quốc gia để cử hành tang lễ chính thức.


Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.