74 nhà báo thiệt mạng trong năm 2016

Thứ Ba, 20/12/2016, 09:15

Theo tổ chức Nhà báo Không Biên giới, hơn 3/4 những nhà báo bị giết hại trong năm 2016 là mục tiêu của những vụ bạo lực có chủ đích. 

 

Ít nhất 74 nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên đã thiệt mạng khi tác nghiệp ở nhiều khu vực trên thế giới.

Cũng theo số liệu từ tổ chức này, Syria là địa điểm “chết chóc” nhất đối với phóng viên. Cụ thể trong năm 2016, có đến 19 nhà báo đã thiệt mạng tại đây.

Chiến sự ở Syria là đề tài nóng bỏng nhưng cũng khiến nhiều nhà báo thiệt mạng. Ảnh Reuters.
Ở Afghanistan, nơi cũng có đến 10 nhà báo đã bị giết hại, được xếp hạng thứ 2 trong danh sách những địa điểm “chết chóc” này. Xếp sau đó là Mexico, 9 nhà báo đã thiệt mạng tại đây.

Trong đó, đáng chú ý có phóng viên ảnh của Images Live của Anh, Osama Jumaa, 19 tuổi, người bị giết hại ngày 5-6 khi đang đưa tin về tình hình chiến dịch cứu hộ tại Aleppo.

Xung đột tại Syria có thể nói là đề tài nóng bỏng, thu hút sự quan tâm trên thế giới, nhưng đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đặc biệt cho những phóng viên đưa tin tại đây bởi họ luôn phải đối mặt với những trận pháo kích liên hồi cũng như nguy cơ bị bắt và giam giữ bởi chính quyền Syria hoặc thậm chí bị các nhóm thánh chiến địa phương bắt cóc.

5 nhà báo nữ đã bị giết, bao gồm nữ phóng viên Anabel Flores Salazar, 32 tuổi, phóng viên hình sự của thời báo El Sol de Orizaba của Mexico, người từng bị bắt cóc hồi 8-2 vừa qua. Thi thể của cô được phát hiện trên đường, hai tay bị trói và đầu bọc trong một túi nhựa.

Số người thiệt mạng trong năm 2016 thấp hơn năm ngoái, khi có 101 nhà báo bị giết, bao gồm 12 phóng viên của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp.

Cũng theo đại diện của tổ chức Nhà báo Không Biên giới, sở dĩ số nhà báo thiệt mạng giảm xuống là do họ cảm thấy không an toàn và bị đe dọa, bỏ chạy khỏi những nước nguy hiểm như Syria, Iraq, Libya hay Afghanistan. 

Duy Tiến (theo the Telegraph)
.
.
.