30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Ấn Độ có 21

Thứ Ba, 25/02/2020, 17:13

Các thành phố của Ấn Độ một lần nữa dẫn đầu danh sách có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, trong khi các thành phố của Trung Quốc tiếp tục được cải thiện hơn so với năm trước.

Ấn Độ có đến 21 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh minh họa Getty Images. 

Theo dữ liệu từ Báo cáo chất lượng không khí thế giới 2019 của IQAir AirVisual, 21 trong 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ, trong đó, 6 thành phố đứng đầu danh sách.

Ghaziabad, một thành phố vệ tinh của thủ đô New Delhi ở phía Bắc bang Uttar Pradesh, được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số chất lượng không khí trung bình (AQI) là 110,2 vào năm 2019. Mức này cao gấp đôi ngưỡng được coi là an toàn theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ.

Tháng 11/2019, chính quyền New Delhi đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng động sau khi mức AQI vượt quá 800 ở một số khu vực của thành phố, gấp 3 lần mức nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu từ IQAir - một công ty công nghệ thông tin và chất lượng không khí toàn cầu - đã thu thập dữ liệu cho báo cáo từ các trạm quan trắc mặt đất để đo mức vật chất hạt mịn, được gọi là PM 2.5, trên một mét khối.

Các hạt siêu nhỏ, có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, được coi là đặc biệt có hại vì chúng đủ nhỏ để đi sâu vào phổi và hệ thống tim mạch. PM 2.5 bao gồm các chất gây ô nhiễm như sunfat, nitrat và carbon đen. Tiếp xúc với các hạt như vậy có thể gây rối loạn phổi và tim, và có thể làm giảm chức năng nhận thức và miễn dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu là do tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch, ung thư và nhiễm trùng đường hô hấp.

Nam Á tiếp tục là khu vực được quan tâm đặc biệt, với 27 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh. Theo dữ liệu của AirVisual, Gujranwala, Faisalabad và Raiwind của Pakistan, nằm trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất và các trung tâm dân số lớn của New Delhi, Lahore và Dhaka lần lượt xếp thứ 5, 12 và 21.

Theo khu vực, Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chỉ có 6 trong số 355 thành phố được khảo sát đáp ứng các mục tiêu hàng năm của WHO.

Dù vậy, Nam Á đã cải thiện hơn so với năm trước. Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ đã giảm 20% từ năm 2018 sang 2019, với 98% các thành phố có trải qua các mức cải thiện khác nhau. Báo cáo cũng chỉ ra rằng sự suy giảm về kinh tế, điều kiện thời tiết thuận lợi và những nỗ lực làm sạch không khí đóng góp quan trong cho việc cải thiện này.

Duy Tiến
.
.
.