3 sự kiện rung chuyển thế giới năm 2016

Chủ Nhật, 01/01/2017, 08:28
Trong năm 2016 có 3 sự kiện lớn, gồm sự kiện Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng bất ngờ của tỉ phú địa ốc Donald Trump.


Trong năm 2016, trên thế giới đã xảy ra hàng trăm sự kiện lớn và chính những sự kiện này đã tạo ra bức tranh chung của tình hình thế giới. Việc chọn ra những sự kiện lớn, những sự kiện quan trọng tác động đến tình hình thế giới nói chung, đến Việt Nam nói riêng là một công việc không đơn giản. Tùy theo cách tiếp cận và quan điểm chính trị của từng người mà sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Theo dòng chảy thời gian và cũng là theo mức độ tác động đến tình hình thế giới, khu vực nói chung, đến an ninh và phát triển của Việt Nam nói riêng, trong năm 2016 có 3 sự kiện lớn, gồm sự kiện Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng bất ngờ của tỉ phú địa ốc Donald Trump.

1. Brexit

Ngày 23-6-2016, 51,9% cử tri Anh đã bỏ phiếu đồng ý Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), 48,1% cử tri đề nghị ở lại EU. Đây là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về việc Anh rời EU. Năm 1975 đã có cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên với kết quả 67,23% người Anh yêu cầu ở lại châu Âu.

- Brexit tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh, đến đời sống của đa số người Anh (chủ yếu tầng lớp trung lưu, hạ lưu chiếm 87% dân số). EU là đối tác thương mại hàng đầu của Anh với 400 tỷ bảng/năm, chiếm hơn 50% hàng xuất khẩu của Anh; khi ra khỏi EU, Anh sẽ mất đi ưu đãi thương mại. Trong trung hạn, Anh không thể tìm được thị trường mới để bù đắp lỗ hổng này. Ngành tài chính Anh cũng sẽ chịu tổn thất hết sức nặng nề. London là trung tâm tài chính lớn thứ hai thế giới (sau New York). Trên 80% các tập đoàn tài chính ở London ủng hộ Anh ở lại EU. Khi Anh ra khỏi EU sẽ có rất nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn rời London và chuyển về Paris (Pháp) hoặc Frankfurt (Đức).

Khi rời châu Âu, kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng, an ninh xã hội không được đảm bảo làm cho người dân phản đối và chính trị nội bộ sẽ rất phức tạp. Nếu Brexit làm cho kinh tế Anh nói riêng, kinh tế EU rơi vào suy thoái trầm trọng thì sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.

Về chính trị và an ninh, Anh là con ngựa thành Tơroa của Mỹ tại EU để tác động đến Đức, Pháp trong việc thực hiện chính sách chống Nga của Washington. Cho dù vẫn là thành viên của NATO nhưng khi đã ra ngoài EU, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc thúc ép Đức, Pháp, Italia, Hy Lạp thực hiện chính sách thù địch đối với Nga. Brexit làm cho EU suy yếu và Mỹ mất con ngựa thành Tơroa trong EU để chống Nga. Do đó về chính trị và an ninh, 

Brexit có lợi cho Nga. Về kinh tế, Brexit gây cho Nga một số khó khăn nhất định. Trữ lượng vàng và ngoại tệ của Nga lên đến 360 tỷ USD, 80% ký thác ở ngân hàng ngoại quốc và hơn 40% trữ lượng này tích theo đồng euro tại trung tâm tài chính London. Trong EU, Anh, Hà Lan và Cộng hòa Sip (Cyprus) là ba đối tác kinh tế lớn nhất của Nga. Đầu năm 2014, đầu tư và số tiền cất giấu của Nga vào Anh là 9 tỷ USD, thiên đường thuế Virgo là 60 tỷ USD, đảo Síp là 20 tỷ USD, Hà Lan là 19 tỷ USD. Nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Anh và EU thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Nga.

Về chính trị và an ninh, Brexit tác động không đáng kể đối với Trung Quốc. Về kinh tế, rất khó dự đoán tác động của Brexit đối với Trung Quốc vì tất cả còn ở phía trước. Có lẽ, phải sau khi Anh chính thức rời EU, sớm nhất cũng phải giữa năm 2019, khi đó mới có một số dữ liệu, thông tin để xác định xem Brexit tác động thế nào đến kinh tế Trung Quốc.

2. Phán quyết của PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc

Khái quát vụ Philippines kiện Trung Quốc: 

22-1-2013, Philippines gửi Chính phủ Trung Quốc bản Thông báo và tuyên bố khởi kiện Trung Quốc theo các điều khoản và phụ lục của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển – UNCLOS 1982 về việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (đường chữ U hay đường lưỡi bò). 

19-2-2013, Trung Quốc bác bỏ và gửi trả lại Thông báo của Philippines, khẳng định không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Sau đó, Philippines đơn phương gửi hồ sơ kiện Trung Quốc tại PCA được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS có trụ sở tại La Hay, Hà Lan. 21-6-2013, PCA cho rằng, vụ kiện của Philippines đã được xác lập bởi sự đồng ý của Philippines và Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS).

Phán quyết ngày 12-7-2016 Tòa Trọng tài quyết định 7 vấn đề, trong đó có 2 vấn đề quan trọng nhất:

- Một là, Tòa xem xét hồ sơ lịch sử và thấy rằng: Trong lịch sử, người dân Trung Quốc cũng như người dân các nước trong khu vực (Philippines, Việt Nam...) đã qua lại đánh cá tự do tại các vùng biển ở Biển Đông, và không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực thi và kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác tài nguyên ở vùng biển này. Tòa kết luận rằng: Không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong “đường 9 đoạn”.

- Hai là, về các quy chế pháp lý của các cấu trúc tại Biển Đông. Căn cứ Điều 13 và Điều 121, Tòa Trọng tài kết luận: Tất cả các cấu trúc ở Trường Sa (Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra EEZ hoặc thềm lục địa.(Tòa kết luận: Các bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập là cấu trúc nổi (có lãnh hải 12 hải lý), còn lại các cấu trúc Subi, Huy-gơ, Vành Khăn, Cỏ Mây là cấu trúc chìm khi thủy triều lên (hai cấu trúc Gaven và Kennan Tòa cho là nổi, Philippines cho là chìm))

Ngoài hai vấn đề quan trọng nói trên, Tòa còn kết luận rằng: 

1.Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây đảo nhân tạo tại 7 cấu trúc ở Trường Sa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô, nghĩa là Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và Điều 194 của Công ước.(Trong hơn 2 năm (2013 – 2015), Trung Quốc đã bồi đắp các đá và các cấu trúc chìm thành các đảo nhân tạo có diện tích tổng cộng 1.300ha, cụ thể: Đá Châu Viên 231.000m², Đá Rubi 4.000.000m², Đá Chữ Thập 2.700.000m², Đá Vằn Khăn 5.500.000m², Đá Gaven 1.360m² Đá Tư Nghĩa 1.400m², Đá Gạc Ma 109.000m².) 

2.Hoạt động của các tàu chấp pháp trên Biển Đông tạo ra nguy cơ đâm va cao và nguy hiểm cho tàu và người Philippines gần bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước về quy định quốc tế để ngăn chặn va chạm trên biển 1972 (Công ước ngăn chặn đâm va trên biển) và Điều 94 của Công ước về an toàn hàng hải. Cuối cùng Tòa khẳng định: Điều 11 của Phụ lục VII của Công ước quy định: “Phán quyết của Tòa sẽ được các bên tranh chấp tuân thủ”. 

Tòa Trọng tài Thường trực PCA là cơ quan tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc chứ không phải là tổ chức tài phán tư nhân. Do đó, phán quyết của Tòa có tính ràng buộc pháp lý đối với mọi quốc gia thành viên của Công ước. Phán quyết của Tòa Trọng tài thể hiện tính thượng tôn của luật pháp. Trong thời đại ngày nay, mọi quốc gia, từ siêu cường, các cường quốc đến các quốc gia đang phát triển đều phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Hầu hết các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cho rằng phán quyết của Tòa là nghiêm túc, công minh và họ ủng hộ phán quyết của Tòa. Phán quyết của Tòa tạo ra cơ sở pháp lý cho Việt Nam và các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông.

3. Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016

Đây là cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 45 của Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 có hai đặc điểm khác biệt so với mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong lịch sử: 1. Lần đầu tiên có một phụ nữ - bà Hillary Clinton tranh cử Tổng thống.  2.Lần đầu tiên một người kinh doanh bất động sản chưa bao giờ tham gia chính trường – tỷ phú Donald Trump ra tranh cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Trong hai điểm đặc biệt nói trên, việc tỷ phú Donald Trump có tính cách đặc biệt khác thường ra Tranh cử Tổng thống Mỹ đã làm cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm số 1 của thế giới với nhiều bất ngờ, thậm chí “ngược đời”, khó hiểu.

Để giảm bớt mơ hồ và bất định về Tổng thống Donald Trump, xin sơ bộ đưa ra một số ý kiến: 

- Một là, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ đưa ra nhiều cải cách lớn trong chính sách đối nội, chính sách đối ngoại (khác hẳn so với những người tiền nhiệm). Nhưng biên độ điều chỉnh chính sách của Tổng thống Donald Trump cũng có giới hạn và ông không thực hiện đầy đủ, đúng đắn tất cả những điều mà ông đã hứa hẹn và cam kết trong quá trình vận động tranh cử vì hai lý do: 1.Giới tinh hoa của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội và các tập đoàn tài chính và tổ hợp công nghiệp sẽ không cho phép Tổng thống Donald Trump vượt qua “vạch đỏ”; 2.Sức mạnh của Mỹ nay đã suy yếu khá nghiêm trọng trong mối tương quan với phần còn lại của thế giới, Mỹ đã qua thời kỳ đỉnh cao sức mạnh muốn làm gì cũng được. Do đó, Tổng thống Donald Trump ít có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới đã tồn tại từ sau 1991, đặc biệt từ 2010.

- Hai là, toàn cầu hóa và tự do thương mại tồn tại khách quan, Tổng thống Donald Trump chỉ có thể điều chỉnh chính sách để giảm rủi ro, tăng lợi ích cho kinh tế Mỹ, cho người dân Mỹ bằng các quy định chặt chẽ để bảo vệ nền sản xuất trong nước của Mỹ. Nếu từ trước năm 2016, Mỹ chủ yếu vươn ra đầu tư ngoài nước thì năm 2017 vẫn vươn ra ngoài nhưng ưu tiên sản xuất trong nước, phục vụ thị trường trong nước, nhất là thị trường lao động, việc làm. Giới tinh hoa và giới tài phiệt Mỹ không cho phép Tổng thống Donald Trump thực hiện chủ nghĩa biệt lập trong thời đại toàn cầu hóa, tự do thương mại.

- Ba là, các liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu (trụ cột là NATO), liên minh ở châu Á – Thái Bình Dương giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia vẫn tồn tại, nhưng Tổng thống Donald Trump sẽ buộc các đồng minh châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc phải tăng ngân sách quốc phòng, phải trang trải một phần lớn nguồn tài chính phục vụ cho hiện diện quân đội của Mỹ ở EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

- Bốn là, có người cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ đoạn tuyệt với chính sách can dự khắp nơi trên thế giới (như “Sen đầm quốc tế”) của những người tiền nhiệm. Ý kiến này không thuyết phục và quá vội vàng. Can dự và áp đặt giá trị của Mỹ là bản chất của nền chính trị Mỹ, không can dự thì Mỹ không còn là siêu cường. Tổng thống Donald Trump sẽ không đoạn tuyệt với chính sách can dự, ông chỉ điều chỉnh và chắc chắn có sự khác biệt so với những người tiền nhiệm.

- Năm là, quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc còn là một ẩn số lớn. Chỉ dựa vào những tuyên bố của ứng viên Donald Trump trong quá trình tranh cử (khen ngợi Tổng thống Putin, phê phán, lên án gay gắt Trung Quốc như “Trung quốc đang giết chết nước Mỹ”) mà cho rằng quan hệ Mỹ - Nga sẽ sớm cải thiện và quan hệ Mỹ - Trung sẽ hết sức căng thẳng là vội vàng.

Quốc hội Mỹ (do đảng Cộng hòa chi phối) sẽ không cho phép Tổng thống Donald Trump vượt qua “vạch đỏ” để nhanh chóng bình thường hóa với Nga. Quan hệ Mỹ - Nga 2016 đã xuống mức thấp nhất kể từ 1991. Dưới thời của Tổng thống Donald Trump (2017 - 2021), quan hệ Mỹ - Nga sẽ không thấp hơn 2016, có thể đi ngang và nhích lên từng bước nhỏ. 

Trên lĩnh vực kinh tế, có thể dự báo quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ có nhiều va chạm, căng thẳng hơn thời Obama, nhưng ít có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì Mỹ cũng không có đủ sức mạnh để áp đặt đối với Trung Quốc (không thể tăng thuế 45% vào hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ).

Các ý kiến trên mới chỉ là sơ lược phác thảo vài nét chấm phá. Cần tỉnh táo theo dõi sát mọi diễn biến với nhạy cảm chính trị và tầm nhìn xa để có ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Hà Nội, 31-12-2016

PV
.
.
.