Hội nghị COP23:

20 nước tuyên bố thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá”

Thứ Bảy, 18/11/2017, 05:48
Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23) tại thành phố Bonn, miền Nam nước Đức, 20 quốc gia, trong đó có Anh, Canada, Mexico... đã tuyên bố thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá” (PPCA).


Đây được xem là nỗ lực tiếp theo của cộng đồng quốc tế nhằm loại bỏ việc sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường trái đất.

Hãng tin Reuters của Anh ngày 17-11 đưa tin, dưới sự khởi xướng của Anh, Canada và quần đảo Marshall, PPCA được thành lập nhằm kêu gọi các nước cùng chung tay loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than trên quy mô toàn cầu, với các thời hạn khác nhau, trước năm 2030. 

PPCA hiện có 20 thành viên, phần đông là các nước châu Âu, bên cạnh đó là Costa Rica, El Salvador, Fiji, Quần đảo Mashall, New Zealand,… và hai quốc gia láng giềng với Mỹ gồm Mexico và Canada. Mặc dù vậy, các nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Đức, Nga và Mỹ vẫn chưa quyết định gia nhập liên minh này. 

Việc sử dụng than đá tràn lan gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Ảnh:GreenPeace

Theo các cam kết ban đầu, Anh sẽ dừng dùng than từ năm 2023, Canada và Pháp sẽ chấm dứt sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch “bẩn” này sớm hơn, vào năm 2021-2022. Liên minh đặt mục tiêu kết nạp 50 thành viên trước Hội nghị COP24, dự kiến diễn ra

 vào năm 2018 tại thành phố Katowice của Ba Lan, một trong những thành phố bị ô nhiễm nhất châu Âu, đồng thời thiết lập các cơ chế thúc đẩy việc chia sẻ công nghệ giữa các quốc gia nhằm hạn chế phát thải CO2 trên quy mô toàn cầu. 

“Một triệu người trên khắp thế giới thiệt mạng hàng năm do ô nhiễm không khí gây ra bởi việc đốt than. Nhân loại cũng phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để giải quyết những hậu quả do sử dụng than gây ra”, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna khẳng định tại COP23. 

Theo bà Catherine, việc thành lập PPCA cho thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong giảm thiểu những thiệt hại toàn cầu do than đá gây ra. Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng, đây một tín hiệu tích cực, tạo đà cho nỗ lực toàn cầu chống lại việc sử dụng than đá, bên cạnh đó, nó cũng khiến các nước đang ủng hộ việc sử dụng năng lượng hóa thạch phải cân nhắc lại.

PPCA được phát động chỉ vài ngày sau khi Mỹ tổ chức một sự kiện giữa các quan chức Nhà Trắng và quan chức năng lượng Mỹ về thúc đẩy vai trò của nhiên liệu hóa thạch "sạch hơn" nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. 

Theo các nhà quan sát, sự kiện PPCA ra đời là câu trả lời rõ ràng nhất cho Mỹ về quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ môi trường trái đất, sau quyết định của nước này về việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đạt được vào năm 2015. 

Trong một tuyên bố được đưa ra trong ngày 17-11, giới chức Mỹ một lần nữa nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn giữ ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sớm nhất có thể, song để ngỏ khả năng tham gia lại văn kiện này nếu các điều khoản thuận lợi hơn cho các công ty, người lao động và sự đóng góp của Mỹ. 

Mặc dù vậy, Washington cũng cho rằng việc nước này rút lui khỏi hiệp ước lịch sử không có nghĩa là Mỹ sẽ không tìm cách cắt giảm lượng khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Với sự tham dự của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội nghị COP23, diễn ra từ ngày 6-11 đến hết ngày 18-11, thảo luận việc thực hiện kế hoạch toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời tìm cách chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ này để chuyển sang sử dụng các loại năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả đối với con người cũng như nền kinh tế. 

Theo kết quả một nghiên cứu do các chuyên gia trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tổng hợp, năm ngoái, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán và bão lũ trên thế giới.

Theo các báo cáo của LHQ, than đá là nguồn năng lượng chính trong sản xuất điện, song nó cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới chất lượng không khí, môi trường và thủ phạm chính của việc Trái đất bị nóng lên. Với việc than đá tạo ra 40% khí thải carbon của toàn thế giới, việc ngừng sử dụng loại nhiên liệu này là mục tiêu trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Việc sử dụng than đá tràn lan gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Ảnh: GreenPeace.
Thiện Nhân
.
.
.