Duy trì hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:30
Trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, gần đây, không ít trang mạng xã hội, diễn đàn và báo chí nước ngoài xuất hiện luồng quan điểm cho rằng, cần phải thể hiện biện pháp cứng rắn ở Biển Đông để giữ chủ quyền chứ không chỉ kiên trì đối thoại bằng hòa bình. Luồng ý kiến này đưa ra nhiều cái mà họ cho là “lập luận”, ngay cả việc “gợi ý” nhờ nước này chống lại nước kia…

Đây dù là những quan điểm cá nhân, song trong đó có cả những động cơ chống phá, gây nhiễu thông tin, cản trở cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam, là một trong các biểu hiện của “diễn biến hòa bình”. Để bạn đọc hiểu đầy đủ hơn về các biện pháp giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, chúng tôi trích giới thiệu bài viết của PGS, TS Đinh Xuân Lý, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”. Vận dụng quan điểm của Người, cần phải bình tĩnh, sáng suốt trong phân tích, đánh giá bản chất vấn đề Biển Đông trên các khía cạnh địa - chính trị và chủ quyền quốc gia, đánh giá bản chất mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, để có những đối sách hợp lý bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng một mối quan hệ đúng đắn giữa hai quốc gia - quan hệ hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức mạnh nội lực là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1941, Đảng đã nhận thức đúng đắn: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”. Nội lực là sức mạnh bên trong - nguồn sức mạnh không bị lệ thuộc, gồm sức mạnh của nền kinh tế độc lập tự chủ, nền chính trị độc lập tự chủ, sức mạnh quân sự và văn hóa, xã hội của đất nước; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của sự đồng thuận - đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia, là thực lực quốc gia.

Trong tình hình hiện nay, muốn tạo sự đồng thuận quốc gia, quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cần phải:

1) Thông tin trung thực, kịp thời để mọi người dân hiểu biết đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ trên biển; về những mưu đồ, và hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta.

2) Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của mỗi người dân.

3) Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

4) Xây dựng lực lượng hải quân, lục quân, không quân đủ sức bảo vệ biển, đảo; trước mắt đủ sức bảo vệ vững chắc Trường Sa trong mọi tình huống; duy trì thường xuyên hoạt động của các lực lượng chấp pháp để tiếp tục khẳng định chủ quyền trên biển, nhất là ở những vùng lãnh hải của Việt Nam đang bị xâm phạm.

5) Phát triển kinh tế biển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng biển, và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo; duy trì bình thường các hoạt động của ngư dân trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, nhưng phải có phương án thật tốt bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân.

Thế giới ngày nay đang diễn ra sự liên kết, hợp tác rộng lớn vì hòa bình và phát triển; thế giới ngày nay có sức mạnh to lớn, đủ sức để ngăn chặn hiệu quả mọi hành vi bành trướng, đe dọa hòa bình nói chung, hòa bình và tự do hàng hải trên Biển Đông nói riêng.

Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải làm như thế nào để thế giới chú ý đến những gì đang diễn ra tại Biển Đông; để thế giới biết được tính chính đáng và quyết tâm thật sự của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó tranh thủ được sức mạnh cộng đồng quốc tế. Có thể nói, trong các giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, thì ngoại giao vẫn là giải pháp tốt nhất để kiểm soát, và giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.

Nước ta là một bộ phận của thế giới, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hoạt động của nước ta “có muôn ngàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ”. Do đó phải thực hành chính sách đối ngoại rộng mở, “chính sách hòa bình và quan hệ tốt”, chính sách hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi.

Trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, cần tìm ra những điểm đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều cấp độ. Để có được sự ủng hộ quốc tế, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm cho thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và sự phù hợp về lợi ích khu vực, thế giới trong mục tiêu đấu tranh của Việt Nam.

Nhìn tổng thể, các nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, đều có chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông; đều tỏ thái độ chống lại các mưu toan dùng vũ lực độc chiếm, chi phối Biển Đông; đều mong muốn Biển Đông là vùng biển hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.

Mặt khác, chủ quyền biển, đảo Việt Nam được bảo đảm bằng cơ sở pháp lý và lịch sử, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nên cuộc đấu tranh của Việt Nam chống sự xâm phạm biển, đảo trong lãnh hải của đất nước là việc làm chính nghĩa, được cộng đồng quốc tế ghi nhận; cuộc đấu tranh của Việt Nam cũng bao gồm trong đó mục đích bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông…

PGS, TS Đinh Xuân Lý
.
.
.