Dự phiên tòa hay dự liveshow?

Thứ Tư, 17/12/2014, 10:23
Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm đã khép lại nhưng còn để lại nhiều dư chấn ngoài bản án tòa tuyên, đặc biệt từ phía dư luận, báo chí. Tòa án, nơi các bị cáo đứng trước vành móng ngựa để nghe hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luận tội, tuyên các bản án theo trình tự và quy định pháp luật.

Chốn công đường phải là sự nghiêm khắc không chỉ với những người tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát), bị cáo, người có quyền, nghĩa vụ liên quan mà còn là sự nghiêm túc đối với tất cả những người có mặt trong phiên xét xử, trong đó có người thân, báo chí… Thế nhưng, đối lập sự nghiêm túc tại công đường, việc một số thông tin báo chí đã quá đà đi vào những tình tiết không liên quan vụ án và có quá nhiều lời lẽ chia sẻ kiểu cảm thông cho Nguyễn Đức Kiên khiến nhiều người không khỏi đặt nghi vấn.

Chưa biết động cơ sau đó là gì nhưng viết về bị cáo trước vành móng ngựa và người thân bị cáo (như chị Đặng Thị Ngọc Lan, vợ Nguyễn Đức Kiên) mà ngôn từ, máy ảnh báo chí nhiều lúc tựa như đang tường thuật liveshow.          

Sự hiện diện của chị Đặng Thị Ngọc Lan tại phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng lại hút báo chí như hiện tượng chân dài showbiz. Báo chí giật “vợ bầu Kiên luôn thu hút sự chú ý ở phiên tòa xử chồng” với lời bình “trang điểm nhẹ, ăn vận giản dị, nhưng chị Lan luôn thu hút sự chú ý của mọi người”, “từ những phiên xử sơ thẩm, chị Lan thu hút sự chú ý của nhiều người bởi vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, trẻ trung cùng gu ăn mặc thanh lịch”. Mạng khác thì dẫn “vợ bầu Kiên trẻ trung tại phiên xử chồng”, mô tả chi tiết sự hiện diện của chị Lan: “lần thứ 2 xuất hiện tại tòa, Lan lặng lẽ ngồi ở hàng ghế phía dưới, liên tục mắt hướng về phía chồng”. Rồi “vợ bầu Kiên sành điệu dự phiên tòa”, người viết soi: “chị Đặng Thị Ngọc Lan, 42 tuổi, trang điểm đậm, đến phiên tòa xét xử chồng khá sớm trên chiếc xe BMW sang trọng”. Chưa hết, có bài báo không chỉ dừng lại việc mô tả hình dáng, trang điểm của chị Lan mà còn chăm chút “khui” từng góc cạnh và suy tưởng “lạ lùng nụ cười của người đàn mà mà bầu Kiên “cấm ai động đến” và “trong giây phút gặp nhau ngắn ngủi, vợ chồng bầu Kiên ngồi sát, nắm chặt tay nhau một cách tình tứ”… Nhiều mạng thấy ngôn ngữ chưa đủ, không ngần ngại cho luôn phóng sự ảnh và clip riêng về vợ bầu Kiên tại tòa với những góc máy và lời bình không khác gì mỹ nữ đang trình diễn trên sân khấu!

Đương nhiên, việc ghi nhận những hình ảnh của người thân bị cáo trước tòa, nhất là những người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời họ như vợ, chồng, cha, mẹ, con cái… thì đó cũng là những tình tiết cần thiết dưới góc độ báo chí, nhất là những vụ án gây chú ý như vụ Nguyễn Đức Kiên, người được cho là tài sắc và có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp bị cáo Kiên như Đặng Thị Ngọc Lan.

Quan sát và xử lý thông tin, hình ảnh đến họ cũng là một cách làm tăng tính sinh động dưới ngôn ngữ báo chí. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cần giới hạn, lạm dụng quá đà khiến sự việc trở nên phản cảm. Một phiên tòa xét xử bị cáo phạm tội kéo dài hơn nửa tháng mà suốt chừng ấy thời gian cứ “nhăm nhe” soi mọi động thái của vợ bầu Kiên, từ đi, đứng, ăn, nói, cả… ngủ gật thì không hiểu nhiệm vụ chính mà người ta quan tâm ở tòa là gì?

Vụ án Nguyễn Đức Kiên là một trong các vụ án điểm. Việc điều tra, truy tố, xét xử Nguyễn Đức Kiên là sự cố gắng lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Bản án đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo liên quan không chỉ có tác dụng trừng phạt người phạm tội mà còn có tác dụng lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng thương mại, tránh tái diễn những hệ lụy nguy hiểm cho Nhà nước và xã hội. Khi xét xử, tòa cũng rất cân nhắc, tính toán kỹ các yếu tố buộc tội và gỡ tội, đặc biệt các yếu tố gỡ tội. Tuyên phạt một con người là sinh mệnh chính trị của họ, không cho phép bất cứ sự chủ quan, áp đặt nào và tòa phúc thẩm cũng đã thẩm định kỹ những căn cứ đó khi tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Kiên.

Đưa tin một phiên tòa như thế mà xem ra nhiều bài viết báo chí lại lệch pha, “quên” nhiệm vụ tường thuật căn cứ luận tội tại tòa mà giống hệt như luật sư đi bào chữa cho bị cáo. Phóng viên báo chí lại lộn sân cãi “vô tội” cho bị cáo như luật sư là làm sao, liệu có động cơ gì? Ngay việc quan sát bị cáo cũng cho thấy sự chủ quan của người viết. Cùng thời điểm nhưng người thì ghi “bầu Kiên đứng bất động nghe tuyên án”, người lại viết “bầu Kiên cười tươi nghe tòa tuyên án”. Sau khi tòa tuyên, lại là sự cảm thông đến lạ lùng: “Hy vọng HĐXX phiên phúc thẩm sẽ tuyên vô tội cho mình đối với Nguyễn Đức Kiên chiều nay đã vỡ vụn. Hy vọng cuối đã khép lại đối với “bầu” Kiên. 30 năm tù là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với một đời người, với Nguyễn Đức Kiên”…

Đã đành là một số phận, một đời người thì dù phạm tội gì, khi vào vòng lao lý, ngoài sự nghiêm khắc của luật pháp thì họ cũng có những góc nhìn sẻ chia từ người thân. Nhưng vượt lên giới hạn đó, báo chí định hướng dư luận vì cái chung mà lại chỉ nhằm bị cáo chia sẻ, cảm thông giống như động lòng với người oan trái, tất là không phải lẽ. Những hậu quả nghiêm trọng mà các bị cáo trong vụ án đã gây ra không dễ để khắc phục và một xã hội nếu phải gánh các hành vi tội phạm như thế thì tất thảy đều chịu hệ quả, đó là điều phải thấy, tại sao không?

Đăng Minh
.
.
.