Quốc hội thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam:

Dự luật chặt chẽ, khoa học, thể hiện rõ quyền con người trong tạm giữ, tạm giam

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:24
Đánh giá cao sự nghiêm túc tiếp thu chỉnh lý của cơ quan soạn thảo qua đợt góp ý của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu đã bày tỏ đồng tình với đa số các quy định được nêu lên trong dự án Luật tạm giữ, tạm giam tại buổi thảo luận sáng 9/11.

Đại biểu cho rằng dự án luật đã đưa ra nhiều quy định tiến bộ, chặt chẽ và thể hiện rõ theo tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Tại buổi thảo luận này, đa phần các đại biểu như Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Phạm Văn Tấn (Nghệ An), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)…  đã bày tỏ quan điểm nhất trí với việc lấy tên của dự án luật là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, bởi tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật. Để dự án luật đồng bộ với các luật khác đang được sửa đổi như Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng phải xem xét quy định việc tạm giam, tạm giữ đối với các cơ quan được giao thẩm quyền điều tra khác như hải quan.

Theo đại biểu, các cơ quan khác được giao thẩm quyền khởi tố vụ án vẫn có thể ra các quyết định tạm giữ, tạm giam. Vậy kiểm ngư hoặc đồn công an, cửa khẩu biên giới, hải quan họ có buồng tạm giữ không? Nếu không, cơ chế để chuyển giao những người bị tạm giữ, tạm giam theo quyết định như thế nào? Luật này cần phải quy định.

Tán đồng với ý kiến này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho rằng dự án luật đang có một khoảng trống. “Có một hệ thống cơ quan chúng ta cho họ quyền điều tra như kiểm lâm, hải quan, sau này có thể là kiểm ngư, hoặc cơ quan thuế, các cơ quan này đều có quyền tạm giữ, vậy họ giữ ở đâu? Tôi nghĩ đây là điều luật phải điều chỉnh. Luật phải đưa nội dung tạm giữ của các cơ quan có quyền tố tụng vào luật, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Ví dụ, cơ quan kiểm lâm không nhất thiết là ở đâu cũng phải có nhà tạm giữ, nhưng có những nơi cần phải có thì phải đảm bảo được các điều kiện của nhà tạm giữ. Chỗ nào không cần làm nhà tạm giữ thì chuyển cho nhà tạm giữ của Công an” – đại biểu đề nghị.

Với tinh thần nhân văn, đại biểu cũng bày tỏ sự tâm đắc với ý kiến của đại biểu Lê Minh Hiền về việc có cơ chế minh oan cho người đã chết khi bị tạm giữ, tạm giam mà chưa bị kết án. Đại biểu cho rằng: Trong luật pháp và đặc biệt theo tinh thần Hiến pháp mới, chúng ta khẳng định chỉ có những người bị tuyên bằng một bản án thì mới là người có tội. Đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ chết thì thế nào? Rõ ràng họ chưa có tội vì họ chưa được tuyên bởi một bản án. Nếu như trong trường hợp đó họ là những người bị oan, vì chúng ta chưa kết thúc điều tra, chúng ta chưa chứng minh được, thì giải quyết câu chuyện này như thế nào?

Với kinh nghiệm làm công tác điều tra, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng có những điểm đã phát sinh trong thực tế cần phải được quy định vào luật, như có những người trong thời hạn bị tạm giữ, tạm giam thì gia đình có người thân qua đời, nếu xét thấy có thể không trở ngại đến việc điều tra vụ án thì có thể giải quyết cho người ta về viếng theo phong tục, tập quán. “Tôi nghĩ rằng điều này nên quy định, nếu không sau này có những trường hợp như thế thì không biết giải quyết thế nào. Về tình cảm, muốn giải quyết cho họ thì lại vi phạm luật” – đại biểu chỉ rõ. Đại biểu cũng bày tỏ quan điểm hoàn toàn thống nhất là 4 trại tạm giam của Bộ Công an là do Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý. Về Điều 18 quy định những trường hợp đặc biệt có thể giam chung do Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam, trưởng buồng tạm giữ thống nhất quyết định, đại biểu cho rằng không nên quy định điều này, “bởi cơ sở tạm giam, tạm giữ hiện nay đều được bố trí ở cấp huyện, nếu có nhiều người trong cùng 1 vụ án thì có thể bố trí qua huyện khác. Đối tượng vi phạm pháp luật mà tạm giữ chung lại sẽ gây trở ngại cho vụ án, chắc chắn sẽ không khách quan. Liên quan đến các trường hợp người bị tạm giữ, bị tạm giam chết, đại biểu đề nghị phải mời thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đó chứng kiến việc khám nghiệm tử thi, để bảo đảm sau này tránh việc kiện cáo”. Sau khi tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): Việc chi tiêu ngân sách quốc gia đang gióng lên những hồi chuông cực kỳ khẩn thiết

Trao đổi bên lề Quốc hội về việc một số địa phương muốn xây quảng trường và trung tâm hành chính hàng nghìn tỷ đồng, đại biểu Lê Nam cho biết “không bình luận về một địa phương cụ thể nào cả”, nhưng khẳng định “việc chi tiêu ngân sách quốc gia rõ ràng là đã và đang gióng lên những hồi chuông cực kỳ khẩn thiết về việc cần có những quyết định ngay của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về việc điều chỉnh, quản lý ngân sách Nhà nước”. “Chúng ta thấy đó là những tiếng nói rất thống nhất của tất cả các đại biểu Quốc hội, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thế thì bây giờ từ việc này phải đi đến hành động, đi đến câu chuyện rất cụ thể về quản lý ngân sách Nhà nước như thế nào. Những cỗ xe tiêu pha ngân sách vẫn chạy theo những con đường ấy. Chúng ta vẫn chưa có điều chỉnh để xem cái phanh ở đâu? Cần ai đạp phanh? Phanh thế nào để không gây tai nạn, phanh thế nào là hợp lý? để đạt được mục tiêu chúng đặt ra về việc phải quản lý ngân sách chặt chẽ hơn. Tôi nghĩ câu trả lời này phải thuộc Chính phủ, và giải pháp có thể đề xuất với Quốc hội ngay trong kỳ họp này” – đại biểu bày tỏ.

Khẳng định nhu cầu xây quảng trường là một nhu cầu rất khách quan địa phương nào cũng có, đại biểu vẫn cho rằng trong tình hình hiện nay thì phải tính toán phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện quốc gia. Chính phủ không nên để các địa phương được quyết định. Giờ đang cấp bách, có đại biểu còn đề xuất phải đóng băng ngân sách, đóng băng biên chế trong 3 năm. Chính phủ cần trình cho Quốc hội giải pháp nào để mà quản lý chi tiêu công hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): Dự thảo luật có tính khả thi cao

Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất cố gắng trong việc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong chỉnh sửa và trình dự thảo lần này. So với bản trình tại kỳ họp thứ 9 có rất nhiều điều chỉnh hợp lý. Từ 11 chương, 87 điều bây giờ còn 11 chương, 73 điều, chúng ta đã bỏ đi một số nội dung không cần thiết, đưa vào những nội dung đòi hỏi thực hiện tốt quyền con người. Về nội dung, chúng tôi thấy luật đã luật hóa được các quy định hiện hành, thể hiện qua các văn bản pháp luật chúng ta đang thực hiện, như các nghị định của Chính phủ, các thông tư và quy chế về tạm giữ, tạm giam, thông tư của Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan. Đây là những nội dung đã thực hiện trong nhiều năm qua cảm thấy ổn định, phù hợp để chúng ta có thể luật hóa. Thứ ba, (dự án luật) đáp ứng được các yêu cầu và những quy định của Hiến pháp, tương đối phù hợp với các luật, các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự. Tôi cho rằng dự thảo luật lần này tính khả thi cao, có thể thực hiện được, góp phần để chúng ta giảm những việc làm sai trong các giai đoạn của quá trình điều tra, bắt giữ, xét xử và thi hành án…

Vũ Hân
.
.
.