Đồng bệnh tương lân

Thứ Hai, 13/04/2015, 07:30
Sau 8 ngày đàm phán cường độ cao tại Lausanne vào đầu tháng 4/2015, nhóm P5 + 1 đã đi tới một Thỏa thuận khung với Iran về vấn đề hạt nhân. Ngọn gió làm nguội bớt lò “bánh trứng” của Iran này liệu có vẽ đường cho… Gấu Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng “các đòn trừng phạt phương Tây”?

Thỏa hiệp lịch sử đạt được vào ngày 2/4 vừa qua, theo các bên hữu trách, mở đường cho một hiệp ước chung cuộc trước ngày 30/6, có giá trị 15 năm, quy định Iran phải giảm số máy ly tâm và kìm giữ việc làm giàu uranium dưới mức có thể tạo được bom hạt nhân. Đổi lại, những biện pháp trừng phạt quốc tế của EU, Mỹ và LHQ nhằm vào Iran, như Nhà Trắng vừa nhấn mạnh, sẽ dần dần được giải tỏa theo từng bước Tehran hiệu chỉnh chương trình hạt nhân. Bước đột phá này được Tổng thống Nga Putin đánh giá là các bên cùng thắng.

Truyền thông quốc tế đang ra sức trải các quân bài lợi ích “Tây”, “Đông”, rồi thế giới Arab, “bói” xem kẻ được người thua cuộc chơi này… Nhưng nói riêng, những ai không thờ ơ với số phận xứ sở Bạch Dương hẳn đã tự hỏi về tâm trạng đoàn ngoại giao Nga trong vòng đàm phán hạt nhân Iran gần đây. Bởi vì, trong Lục cường (P5 + 1), làm trung gian hòa giải quốc tế “vụ” hạt nhân Iran, lại trớ trêu gồm cả một nước, vừa tròn một năm nay, kinh tế liêu xiêu do sự trừng phạt của phương Tây sau sự kiện sáp nhập Crimea…

Liệu có thể hy vọng, là tiền lệ hoãn nướng chiếc “bánh trứng” (yellow cake – chỉ nguyên liệu uranium) này gợi ý  một “lối thoát” cho Moskva thoát khỏi đòn trừng phạt? Gợi lên câu hỏi này mới le lói chút ít tia trả lời. Chẳng hạn, việc Kremli hạ lệnh cho Gazprom bán hạ giá bán hơi đốt cho Ukraine. Nhưng cũng có thể đây chỉ là một xúc tác cho việc tăng thu lúc “mất mùa”? Dựa vào những “mốc” trừng phạt trong “Hồ sơ hạt nhân Iran”, so sánh “số phận lịch sử” của hai nước đang chịu cấm vận quốc tế là Iran và Nga, sẽ gợi ý đáp số bài toán Gấu Nga thoát hiểm đòn trừng phạt của chú Sam và bà đầm Âu?

Về tổng thể, nước Nga hiện “chỉ” chịu trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU. Còn với Iran, LHQ từ cuối năm 2006 đã ra Nghị quyết 1737 buộc các quốc gia ngừng cấp cho Iran nguyên liệu và công nghệ có thể dùng vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Tehran. Nhưng mức lệ thuộc vào các đầu tàu kinh tế thế giới của Nga chắc lớn hơn so với nước Cộng hòa Hồi giáo theo chủ nghĩa biệt lập, nên hệ lụy chắc khó lường hơn nhiều.

Báo chí Nga liên tưởng các mốc cấm vận chống Iran khi đòn tương tự giáng vào Nga. Chẳng hạn, cấm nhập các công nghệ then chốt của công nghiệp khai thác dầu, cấm đầu tư vào khu vực khai thác dầu mỏ (áp dụng đối với Iran năm 2010, với Nga năm 2014) đối với các công ty của Mỹ và EU. Rồi lệnh cấm vận do Tổng thống Mỹ ban bố, cấm các nước (thuộc bên) thứ ba hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp dầu – khí Iran...

Nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt. Ảnh: AFP.

Cũng nên điểm những “thít cổ” khác đã được phương Tây áp dụng với Iran, vì học giả Nga nhận định,  Tehran, sau suốt 5 năm “đấu đầu” quyết liệt, nay đã phải “đấu dịu”. Hiện chưa loại trừ khả năng Nga sẽ phải hứng chịu những biện pháp này trong đợt cấm vận tiếp nối. Còn nhớ cựu Tổng thống Iran, năm 2012 vẫn còn cổ súy “một trật tự thế giới không do các cường quốc phương Tây khuynh loát”, một lập trường mà hôm nay Moskva nằm trong số những ai cực lực chia sẻ. Và khi một thành viên nhóm “hòa dịu” P5 + 1, trong cơn lửa cháy Đông Ukraine, chợt đánh tiếng nhắc, nhất là các nước thành viên NATO, về việc mình thủ đắc vũ khí hạt nhân, không phải không gợi lại những tuyên bố của cựu Tổng thống Iran Ahmadinejad (nhiệm kỳ 2005 – 2013) chống “đối thủ khu vực” Israel.

Năm 2012 EU áp dụng biện pháp ngắt mạch khỏi hệ thống giao dịch liên ngân hàng SWIFT, nhưng trên thực tế không chạm đến toàn hệ thống ngân hàng Iran, mà chỉ áp vào vài chục hãng tín dụng, theo số liệu của EC, có liên đới trong cung cấp tài chính cho chương trình hạt nhân Iran. Một “mầm” tương tự ở Nga là việc hệ thống thanh toán quốc tế đã chấm dứt phục vụ các thẻ thanh toán của ngân hàng mà chủ bị phương Tây cho là thân cận với Kremli… Một số báo “thân Kremli” đang dự báo triển vọng tươi sáng cho Iran, chẳng hạn, trở lại là một trong những khách mua nhiều nhất thiết bị quân sự của Nga đầu những năm 90 thế kỷ trước. Một cái nhìn tinh tế hơn cho thấy ai đó đang thầm nhất trí với phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest hôm 6/4, rằng “tháo dỡ” cấm vận ở vịnh Ba Tư đâu phải ngày một ngày hai. Vì theo các tính toán của chuyên gia Nga, kể từ khi được “tháo ách” cho đến khi đạt mức khai thác dầu như trước đây, Tehran sẽ phải mất tới cả năm trời. Vậy trước mắt nền kinh tế “uống dầu thở khí (đốt)” của Nga còn chưa phải lo cung trên “chợ dầu khí” vọt lên ngay do Iran tái mở hàng.

Thỏa hiệp vừa qua một lần nữa cho thấy phương Tây chẳng mặn mà gì với việc tập hợp lực lượng vào một đòn trừng phạt kinh tế. Thậm chí cấm vận của phương Tây luôn có cơ bị xem xét lại, dù vai trò, lợi ích của cường quốc gia trên bàn cờ thế giới là vô cùng phức tạp, trái nghịch. Quá trình xiết vòng vây trừng phạt của phương Tây có thể nới lỏng, chỉ cần nước đang bị áp dụng lệnh trừng phạt có một thỏa hiệp có chừng mực tại các vấn đề “gai góc” nhất của những thách thức bấy nay quy vào cuộc đối đầu “Đông – Tây”, có nhà bình luận Nga đã viết.

Nhìn từ một nước không “trong cuộc”, nếu vấn đề “giải giáp” vành đai cấm vận cho Iran gói gọn được trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ này, thì vịnh Ba Tư chắc cũng “ngựa xe như nước” trở lại, đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân Iran, và là kết đẹp cho lời hứa của ông Obama khi đắc cử năm 2009 (một “khởi đầu mới” cho một quan hệ “có tính xây dựng” giữa nhân dân hai nước). Trái lại, nếu cuộc hóa giải lệnh “trói” Gấu Nga rơi vào nhiệm kỳ của Con Voi (đảng Cộng hòa Mỹ) thì mọi thứ trở nên khó đoán hơn nhiều…

Biến động gần nhất là việc Tổng thống Iran vừa yêu cầu phương Tây tháo dỡ cấm vận ngay vào ngày ký Hiệp định, và việc EU tái xác lập trừng phạt đối với Ngân hàng Thương mại Iran (Tejarat) và 32 hãng vận tải đường biển của Iran hôm 8/4, cho thấy đường đi từ Thỏa thuận khung đến Hiệp định còn lắm gập ghềnh. Và kỳ vọng của những ai mong mỏi tháo gỡ lệnh cấm vận áp dụng lên Iran, và lên Nga, dĩ nhiên, hẳn sẽ phải mang màu xám hơn của… thực tiễn của một thế giới nhiều bất ổn.

Lê Đỗ Huy
.
.
.